4 tháng cuối năm: Ổn định cung-cầu, tránh sốt giá

Tại buổi giao ban trực tuyến công thác tháng 8 tổ chức sáng nay (5/9), tại Hà Nội, Bộ Công Thương dự báo những tháng cuối năm sản xuất và xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng để hoàn thành kế hoạch thì cần phải tháo gỡ nhiều vướng mắc, nhất là vốn và thị trường... Đảm bảo cung-cầu, không để thiếu hàng sốt giá là một trong những nhiệm vụ được Bộ Công thương đề ra và được đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty... cam kết.
Tại buổi giao ban trực tuyến công thác tháng 8 tổ chức sáng nay (5/9), tại Hà Nội, Bộ Công thương dự báo những tháng cuối năm sản xuất và xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng để hoàn thành kế hoạch thì cần phải tháo gỡ nhiều vướng mắc, nhất là vốn và thị trường...

Áp lực từ vốn và lãi suất


Theo Bộ Công Thương, Tám tháng, sản xuất công nghiệp tuy vẫn tăng 7,3% nhưng tốc độ tăng giảm dần, trong đó ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,7%, khí thiên nhiên giảm 6,3%, xăng dầu giảm 2,7%. Thậm chí một số sản phẩm điện, điện tử giảm mạnh như điều hòa nhiệt độ giảm 20,8%, tủ lạnh giảm 14,5%, lắp ráp ôtô giảm 7,7%,...

Do sự suy yếu của hoạt động tiêu dùng và đầu tư trong nước nên một số doanh nghiệp công nghiệp gặp khó khăn vì lượng hàng tồn kho tăng, vốn hàng hóa ứ đọng do áp lực về tỷ giá vẫn gay gắt. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu trong nước cũng như nhập khẩu vẫn diễn biến phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch sản xuất.

Nhiều công trình đầu tư chậm tiến độ do doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất cao. Một vấn đề nữa là xuất khẩu tuy tăng nhưng chưa vững chắc và nhiều mặt hàng đã đến ngưỡng như cà phê, hạt tiêu…

Bên cạnh đó, nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu khiến bài toán nhập siêu vẫn còn nan giải. Khó khăn nhất hiện nay là giá đầu vào cho sản xuất tiếp tục tăng cao đã kéo theo hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị giảm sút.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Trần Quang Nghị cho biết, ngành dệt may không nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư nên nhiều dự án đang bị chững lại, thậm chí nhiều địa phương cũng không mặn mà hỗ trợ cho doanh nghiệp dệt đầu tư vào vì vấn đề xử lý nước thải, cũng như ngành này "ít" mang lại ngân sách cho địa phương vì chủ yếu là làm hàng xuất khẩu.

Không những thế, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm sút mạnh do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và phải tăng lương cho công nhân thêm 25% để ổn định cuộc sống trước tình hình lạm phát mới có thể giữ chân được người lao động và đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu.

Dù vậy, nhiều khó khăn lại chưa nhận được sự chia sẻ và đồng thuận. Theo ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam, việc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị tăng giá bán than lên 15% là một quyết định hết sức bị động đối với doanh nghiệp hóa chất.

Ông Tường cho hay, điều này trước tiên sẽ ảnh hưởng ngay đến giá thành các sản phẩm phân bón như urê tăng 15%, phân lân nung chảy tăng 5%... Hơn nữa, việc thông báo tăng giá than chỉ mang tính một chiều, doanh nghiệp hóa chất không được thương thảo mà chỉ bằng quyết định của Cục Quản lý giá rồi chuyển thẳng đến doanh nghiệp...

Bình ổn thị trường, gỡ đầu ra

Do vậy, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thời gian tới cần phải triển khai quyết liệt các biện pháp bình ổn giá, tập trung đẩy mạnh sản xuất, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.

Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tích cực phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), TKV và các nhà sản xuất điện khác huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Đại diện các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty cũng cho biết, đã chuẩn bị sẵn các nguồn hàng dự trữ, nhất là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nhằm can thiệp thị trường một khi có những biến động do mất cân đối cung-cầu.

Ngoài ra, phía Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng đã dự trữ 1,3 triệu tấn gạo, có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu từ nay đến cuối năm và gối đầu cho năm tới.

Từ nay đến cuối năm chỉ còn bốn tháng, để hoàn thành những mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty và các Hiệp hội ngành hàng lớn cần rà soát khả năng về mặt hàng, thị trường xuất khẩu, xác định cụ thể mục tiêu và biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu của từng đơn vị.

Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ và phía Ngân hàng nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất-kinh doanh xuất khẩu, trên cơ sở đó xây dựng thị trường hoặc nhóm thị trường trọng điểm để tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2011.

Để hạn chế nhập siêu, theo bộ trưởng, các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế cần rà soát việc nhập khẩu thiết bị máy móc cần thiết, dự trữ lưu thông, sản xuất ở mức độ hợp lý đồng thời ưu tiên sử dụng vật tư máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được đối với các công trình có sử dụng vốn ngân sách của nhà nước.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương trong những tháng cuối năm là tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' một cách bài bản, có chiến lược. Song song là việc triển khai chương trình xúc tiến thương mại nội địa, trọng tâm là tổ chức các đợt bán hàng Việt về nông thôn và các khu công nghiệp để góp phần bình ổn thị trường./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục