Đại học FPT công bố đào tạo ngành y-sinh tin

Trường Đại học FPT vừa công bố sẽ đưa Y-Sinh Tin (Biomedical-Informatics) trở thành chuyên ngành hẹp trong chương trình đào tạo của trường đối với các sinh viên năm cuối. Chương trình đào tạo mới này sẽ bắt đầu triển khai cho sinh viên khóa 1 của Đại học FPT vào năm 2010.

Trường Đại học FPT vừa công bố sẽ đưa Y-Sinh Tin (Biomedical-Informatics) trở thành chuyên ngành hẹp trong chương trình đào tạo của trường đối với các sinh viên năm cuối. Chương trình đào tạo mới này sẽ bắt đầu triển khai cho sinh viên khóa 1 của Đại học FPT vào năm 2010.
 
Công bố này được đưa ra trong khuôn khổ hội thảo “Bio-Informatics: Hiện tại và tương lai” do Đại học FPT phối hợp cùng Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE), Hội Tin học Việt Nam và Hội Di truyền học Việt Nam tổ chức.
 
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một diễn đàn về vấn đề này với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong cả hai giới Công nghệ thông tin và Công nghệ sinh học. Các bên đã cùng bàn bạc để đưa ra giải pháp, thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực Bio-Informatics (Tin-Sinh học) tại Việt Nam dựa trên sự kết hợp giữa hai ngành.
 
Các chuyên gia cũng cùng chung một nhận định, đây sẽ là ngành phát triển rất mạnh trong thời gian tới, không chỉ như một ngành khoa học công nghệ, mà còn là một ngành kinh tế kỹ thuật, đem lại nhiều thành tựu ứng dụng phát triển kinh tế.
 
Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học FPT nhấn mạnh, sự xích lại gần nhau giữa Công nghệ Thông tin và Công nghệ Sinh học là xu thế tất yếu của thế giới, mở ra tương lai phát triển rất lớn cho ngành Bio-Informatics.
 
Theo Tiến sĩ Lê Đình Lương – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Di truyền học Việt Nam, Công nghệ sinh học hiện đại không thể thiếu Công nghệ thông tin. Các máy móc, thiết bị dù có đắt tiền nhưng cũng không phải là quá khó.
 
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng, điều đáng tiếc là bản thân ông cũng như không ít người trong giới Công nghệ sinh học nói chung suốt nhiều năm qua đã phải tự nghiên cứu, tìm hiểu mà sự hợp tác chính thức của ngành Công nghệ thông tin thì chưa có được bao nhiêu.
 
Tiến sĩ Lê Đình Lương cũng bày tỏ mong muốn sau buổi tọa đàm, sự hợp tác này sẽ được mở ra chính thức và điều quan trọng là các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải vào cuộc.
 
Được biết, ngay trong hội thảo, Chi hội Bio-Informatics đã được thành lập như một bước đi đầu tiên trong việc kết hợp ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ sinh học tại Việt Nam.
 


Dương Thùy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục