Ninh Thuận cần làm tốt quy hoạch, tăng cạnh tranh

Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Ninh Thuận khai tốt công tác quy hoạch nhằm tạo sức cạnh tranh và lợi thế để thu hút đầu tư.
Tối 9/12, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và phương hướng năm 2012.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đã phát huy truyền thống, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, nhất là trong đầu tư hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, chăm lo y tế, giáo dục…

Chia sẻ trước những khó khăn của Ninh Thuận về hạ tầng giao thông và thủy lợi, hộ nghèo cao hơn bình quân cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ninh Thuận phát huy tiềm năng lợi thế, tìm cách làm hay, vượt qua khó khăn thách thức để phát triển nhanh và bền vững.

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ninh Thuận tiếp tục triển khai tốt công tác quy hoạch nhằm tạo sức cạnh tranh và lợi thế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực phù hợp với quy hoạch.

Khẳng định Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông lớn, thủy lợi, điện, hạ tầng đô thị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Ninh Thuận làm tốt công tác giải phóng mặt bằng chuẩn bị triển khai đầu tư các dự án, nhất là dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý lãnh đạo Ninh Thuận quan tâm tập trung chỉ đạo chăm lo đời sống nhân dân, trong đó xây dựng các chương trình, dự án nhằm giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Báo cáo Thủ tướng và Đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho biết, năm 2011, tình hình kinh tế-xã hội của Ninh Thuận tiếp tục có những chuyển biến tích cực và tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 10,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,3 triệu đồng, thu ngân sách trên địa bàn tăng khá nhanh trong các năm gần đây và đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, năm 2011 ước đạt 1.156 tỷ đồng, tăng 3 lần so với năm 2008.

Tỷ lệ hộ nghèo của Ninh Thuận giảm 2%, còn khoảng 13,4%, giải quyết việc làm mới cho trên 15.000 lao động…Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trong tiết kiệm chi tiêu công, tạm dừng khởi công các dự án mới, tiết kiệm chi thường xuyên… trong năm 2011, Ninh Thuận đã tiết kiệm chi tiêu công trên 40 tỷ đồng trong đó tiết kiệm 10% chi thường xuyên là gần 14 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Đức Thanh cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Ninh Thuận tuy đạt khá, nhưng còn thấp so với mục tiêu đề ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn hạn chế; cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao… đây là những khó khăn rất lớn đối với Ninh Thuận.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Thanh, năm 2012, Ninh Thuận khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP đạt 14-15%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 20 triệu đồng; giảm khoảng 2% tỷ lệ hộ nghèo, xuống còn 11,4%, giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.500 lao động, đào tạo nghề cho 9.000 lao động…

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Ninh Thuận đã đề ra 6 giải pháp đồng bộ như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường, thực hiện tốt công tác phòng chống hạn và triển khai kịp thời các chính sách an sinh xã hội.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã cho ý kiến liên quan đến các kiến nghị của Ninh Thuận về ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với việc thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hỗ trợ đầu tư một số dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực./.

Thiện Thuật (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục