Giảm phát đang đe dọa nhiều nền kinh tế

Các chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù lạm phát là mối quan ngại lớn đối với các nền kinh tế, song mối lo trước mắt vẫn là giảm phát.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù lạm phát là mối quan ngại lớn đối với các nền kinh tế, song mối lo trước mắt vẫn là giảm phát.

Trong một cuộc họp báo mới đây, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Justin Yifu Lin đã cảnh báo rằng giảm phát đáng sợ hơn lạm phát và nhiều nền kinh tế lớn có thể rơi vào tình trạng giảm phát trong thời gian tới do năng lực sản xuất của các nước này hiện ở mức thấp, chỉ vào khoảng 50-60%.

Theo các nhà kinh tế, lạm phát thường xảy ra hơn, song giảm phát khi đã xuất hiện có thể giống như một hố cát, hút nền kinh tế lún sâu hơn vào suy thoái. Nhiều nhà kinh tế cho rằng giảm phát có thể bắt đầu phát tác một khi kinh tế phục hồi.

Tại Hội nghị về Triển vọng Đầu tư tổ chức ở New York ngày 16/6, nhà kinh tế Brian Fabbri, chuyên gia hàng đầu của Mỹ thuộc Ngân hàng BNP Paribas, cho rằng dù Mỹ sớm thoát khỏi suy thoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn có thể chìm vào giảm phát trong năm tới khiến tăng trưởng trì trệ trong nhiều năm tiếp theo.

Giảm phát cũng có thể tác động mạnh tới các nước đang phát triển vốn dựa vào xuất khẩu. Theo ông Ben Carliner - Giám đốc nghiên cứu Viện Chiến lược kinh tế (trụ sở tại Washington), giảm phát không chỉ đe dọa Mỹ mà đe dọa toàn cầu và đây là lý do khiến các nước trong G-20 cố gắng phối hợp các gói kích thích kinh tế để kích cầu và giá, đưa nền kinh tế thế giới trở lại tăng trưởng vững chắc.

Một số nhà kinh tế cho rằng Nhật Bản một lần nữa đang trải qua thời kỳ giảm phát, có thể ảnh hưởng tới các đối tác thương mại đang phát triển của nước này.

Tuy nhiên, vấn đề then chốt là liệu nền kinh tế toàn cầu có trở lại cân bằng hay không, tức là không còn phụ thuộc vào việc người tiêu dùng Mỹ và châu Âu tiếp tục vay thêm tiền để mua hàng tiêu dùng từ các nước xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục