Các địa phương phía Bắc dồn sức ứng phó bão lũ

Bão số 4 đã gây mưa to kèm gió lớn tại nhiều tỉnh phía Bắc. Khu vực ven biển nhiều nơi mưa rất to, gió giật cấp 7, cấp 8, biển động mạnh. Các địa phương đang dồn sức ứng phó bão lũ.

Chiều 12/7, bão số 4 đã gây mưa to kèm gió lớn tại nhiều tỉnh phía Bắc. Ở khu vực ven biển nhiều nơi mưa rất to, gió giật cấp 7, cấp 8, biển động mạnh. Các địa phương phía Bắc đang dồn sức ứng phó với bão lũ.

Tại Hải phòng, tất cả các địa phương đang khẩn trương đối phó với cơn bão số 4, Tính đến 17 giờ chiều, toàn bộ 4.167 tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản của Hải Phòng đã về nơi neo đậu an toàn.

Các huyện trong tỉnh đang chủ động hoành triệt cống xung yếu dưới đê, hạ nước đệm trong hệ thống thuỷ nông, chuẩn bị vận hành các trạm bơm tiêu úng, lên phương án di dời dân vùng đê bối. Bình quân mỗi xã, phường huy động khoảng 100-200 người làm lực lượng xung kích hộ đê và cứu nạn.

Mỗi địa phương ven biển, ven sông cũng chuẩn bị từ 8.000-25.000 bao tải, hàng ngàn cây tre cùng các phương tiện vận chuyển để ứng cứu tình huống xấu xảy ra.

Thành phố Hải Phòng chỉ đạo các Công ty khai thác công trình thuỷ lợi chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa ngập úng, tất cả 6 trạm bơm tiêu đã được sữa chữa, vận hành, đảm bảo hoạt động khi xảy ra mưa lớn.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, tỉnh Hà Giang đã thực hiện di dời 297 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt, lở đất, lũ quét cao đến nơi ở mới an toàn.

Phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng sạt, lở đất, lũ quét nguy hiểm cao được tỉnh triển khai thực hiện tại huyện Yên Minh, Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần và thị xã Hà Giang.

Tại huyện Yên Minh đã di chuyển xong 18 hộ dân, huyện Bắc Mê đã di dời 56 hộ dân, huyện vùng cao Xín Mần đã di chuyển 61 hộ dân ở xã Cốc Pài, 33 hộ dân nằm trong vùng nứt đất ở bản Đán Khao, xã Bản Ngò đến nơi ở mới.

Cùng với việc thực hiện khẩn trương việc di cuyển dân nằm trong vùng có nguy cơ, sạt lở đất, lũ quét cao đến nới ở mới, tỉnh Hà Giang cũng đã thực hiện quy hoạch xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường, điện, hệ thống nước sinh hoạt, cấp đất ở, đất sản xuất cho bà con tại nơi ở mới.

Hiện tỉnh còn khoảng 977 hộ dân cần được di chuyển đến nơi ở mới an toàn, việc di chuyển những hộ dân này cần được quy hoạch tổng thể, bố trí dân cư các vùng cần hướng tới an toàn lâu dài và tạo điều kiện cho bà con phát triển kính tế-xã hội.

Tỉnh Phú Thọ yêu cầu người dân và các tổ chức chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng đề phòng có gió giật, xoáy lốc; kiểm tra các hồ chứa nước trên địa bàn để có phương án bảo vệ an toàn hồ chứa; sử dụng tràn sự cố khi cần thiết.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện vùng cao như Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Hạ Hoà, Đoan Hùng... đã chỉ đạo các xã, khu dân cư cảnh giác với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và thực hiện trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến cơn bão số 4.

Theo Đài khí thượng thuỷ văn Việt Bắc, đêm nay và ngày mai (13/7) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có thể có mưa to đến rất to, người dân nên đề phòng lũ quét, lũ ống xảy ra.

Đầu giờ chiều ngày 12/7, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo sơ tán trại chỉ huy và lực lượng cứu hộ cùng nhà dân ra khỏi vị trí đổ nát tại thôn Khên Lền, xã Công Bằng huyện Pác Nặm để giữ an toàn cho lực lượng cứu hộ, đồng thời khẩn trương giúp dân các hộ dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao, mau tránh khỏi tác hại của cơn bão số 4.

Chiều 12/7, tỉnh Nam Định đã gọi toàn bộ hơn 2.550 tàu thuyền đánh bắt thuỷ, hải sản về nơi trú ẩn an toàn tại các cửa sông, cửa biển thuộc các huyện ven biển đồng thời yêu cầu các huyện, thành phố huy động nhân lực, trang thiết bị chủ động tiêu nước, sẵn sàng chống úng cho diện tích rau màu, mạ mùa mới gieo cấy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục