Tổng thống Palestine quyết tâm xin gia nhập LHQ

Tổng thống Palestine quyết tâm dự Khóa họp thường niên của LHQ để đệ đơn xin gia nhập tổ chức này với tư cách thành viên đầy đủ.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã bày tỏ quyết tâm đến dự Khóa họp thường niên lần thứ 66 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, tiến hành từ ngày 20/9, để đệ đơn xin gia nhập Liên hợp quốc với tư cách thành viên đầy đủ của Nhà nước Palestine theo những đường biên giới năm 1967.

Trả lời phỏng vấn Truyền hình Ai Cập ngày 14/9, Tổng thống Abbas cho biết mặc dù phải chịu nhiều sức ép, song với ông, việc "đến Liên hợp quốc để yêu cầu tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine tại tổ chức quốc tế này là điều không tránh khỏi và không phải tiếc vì làm điều đó."

Đến nay, đã có 127 nước thành viên Liên hợp quốc sẵn sàng công nhận Nhà nước Palestine dựa trên những đường biên giới trước cuộc "Chiến tranh sáu ngày" năm 1967, theo đó lãnh thổ của Palestine bao gồm Gaza, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem.

[Lãnh đạo Palestine nhất trí đệ đơn gia nhập Liên hợp quốc]

Việc xin gia nhập Liên hợp quốc của chính quyền Palestine vấp phải sự phản đối ngay trong nội bộ vì Phong trào Hồi giáo Hamas đã tuyên bố không ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Abbas.

Ngày 14/9, ông Salah al-Bardaweel, thủ lĩnh cấp cao của Hamas ở Dải Gaza cho rằng hậu quả của việc đề nghị Liên hợp quốc công nhận Nhà nước Palestine cũng đồng nghĩa với việc công nhận các đường biên giới của Israel và việc Nhà nước Palestine sẽ chỉ tồn tại ở Bờ Tây và Dải Gaza, là những các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh 1967, chứ không phải toàn bộ Palestine lịch sử như Hamas mong muốn.

Bên cạnh đó, một khi Nhà nước Palestine được công nhận, "lực lượng kháng chiến Palestine sẽ không được phép bắn một viên đạn nào vào lực lượng chiếm đóng Israel." Hơn nữa, việc xin gia nhập Liên hợp quốc của Palestine còn vấp phải sự phản đối của Israel và sự ngăn cản của Mỹ và Liên minh châu Âu.

Nhật báo Haaretz của Israel vừa tiết lộ tin Bộ Ngoại giao nước này đã chỉ thị các đại sứ của họ phải sử dụng vụ Đại sứ quán Israel tại Ai Cập bị tấn công tuần trước để làm luận cứ chống lại Palestine vì điều đó chứng tỏ người Palestine không từ bỏ kế hoạch "đối đầu bạo lực". Bộ Ngoại giao Israel không bình luận gì về tin này.

Đặc phái viên về hòa bình Trung Đông David Hale và Cố vấn về các vấn đề Trung Đông Dennis Ross đã lên đường trở lại Trung Đông để gặp gỡ các nhà lãnh đạo trong khu vực, trong đó có Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Abbas.

[Nga ủng hộ Palestine trở thành thành viên Liên hợp quốc]

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton tái khẳng định quan điểm của Mỹ cho rằng nỗ lực của Palestine muốn được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận quy chế Nhà nước độc lập tại cuộc bỏ phiếu vào ngày 20/9 tới là "phản tác dụng."

Theo bà Clinton việc Mỹ cử hai đặc phái viên tới Trung Đông trước hết là để thuyết phục Palestine từ bỏ nỗ lực muốn Liên hợp quốc công nhận, đồng thời kêu gọi Israel và Palestine nối lại đàm phán trực tiếp.

Trước đó, ngày 8/9, Mỹ đã lần đầu tiên khẳng định dứt khoát sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để ngăn cản nỗ lực của Palestine trở thành thành viên đầy đủ trước cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Cùng ngày, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Catherine Aston, hiện đang công du tại Trung Đông, đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak tại Jerusalem để thảo luận về quan hệ với Palestine và tình hình khu vực. Trước đó, có tin, bà Aston đã gặp Tổng thống Palestine Abbas và các ngoại trưởng của Liên đoàn Arập tại Cairo để thuyết phục ông Abbas từ bỏ kế hoạch trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục