Thiếu kinh phí bảo tồn nhà vườn cố đô Huế

Việc giữ gìn và phát huy giá trị của nhà vườn Huế - điểm nhấn đặc trưng cho văn hoá Cố đô đang gặp khó khăn.
Việc giữ gìn và phát huy giá trị của nhà vườn Huế - điểm nhấn đặc trưng cho văn hoá Cố đô đang gặp khó khăn do chủ các nhà vườn không được miễn giảm thuế, không được hỗ trợ và thiếu kinh phí để bảo tồn.

Nhà vườn có diện tích lớn nên mỗi năm chủ nhà phải đóng thuế khá nhiều, trong khi thu nhập từ vườn nhà thấp, không đủ bù cho chi phí chăm sóc, tu bổ...

Ông Nguyễn Ngọc Trinh, chủ nhà vườn 46 Phú Mộng, Kim Long, thành phố Huế cho biết: “Mỗi năm ông phải đóng gần 5 triệu đồng tiền thuế, cộng với chi phí tu bổ, chăm sóc là 15 triệu đồng, trong khi nguồn thu nhập kinh tế từ vườn chỉ có 2 triệu đồng”.

Ông Trinh kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để “nâng cấp” nhà vườn ngay lúc này như cho vay vốn ưu đãi, thời hạn vay từ 7 đến 10 năm, vì đặc thù làm vườn phải thời gian dài mới có thu nhập.

Hiện, do thiếu kinh phí, nhiều chủ nhà vườn đã treo biển bán, có chủ nhà vườn phải nợ tiền thuế năm này qua năm khác.

Ông Cao Minh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phường Kim Long cho biết: “Số chủ nhà vườn nợ thuế từ 2007 đến nay còn rất nhiều và nợ với số tiền lớn từ 11 triệu đến 20 triệu đồng”.

Theo ông Sơn, việc miễn giảm thuế cho chủ nhà vườn không thuộc thẩm quyền của phường, mà phải căn cứ vào điều 83, Luật đất đai năm 2003.

Chủ trương bảo tồn “Nhà vườn Huế” đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt với “Đề án Chính sách bảo vệ “Nhà vườn Huế” giai đoạn 2006 - 2010”.

Ủy ban Nhân dân tỉnh có chính sách cụ thể hỗ trợ về tài chính, thuế, nhà ở, đất ở, hoạt động sản xuất kinh doanh cho nhà vườn trong danh mục bảo vệ. Nhưng hiện nay, do chưa có quy định hạn mức diện tích “nhà vườn Huế” nên chưa có cơ sở xem xét miễn giảm thuế nhà đất đối với các nhà vườn trong danh mục bảo vệ./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục