Tăng cường các nghiên cứu về sức khỏe sinh sản

Việc tăng cường nghiên cứu về sức khỏe sinh sản sẽ góp phần giải quyết làm giảm sự chênh lệch giới tính, giảm tử vong mẹ và trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến khẳng định, thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường nghiên cứu khoa học, phổ biến và ứng dụng các kết quả nghiên cứu các tiến bộ khoa học, công nghệ vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về Nghiên cứu sức khỏe sinh sản và tình dục tổ chức ngày 12/12, tại Hà Nội, ông Tiến cho biết, việc tăng cường trên sẽ góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách về dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Các vấn đề cấp bách về dân số hiện nay như việc duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm chênh lệch tỷ suất giới tính khi sinh, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ phá thai và tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên/thanh niên, người cao tuổi và cho các nhóm dân tộc đặc thù (nhiễm HIV, dân tộc thiểu số).

Số liệu của Bộ Y tế và các điều tra dân số khác cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc lồng ghép kế hoạch hóa gia đình vào dịch vụ y tế đồng thời củng cố các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, một số nhóm dân số như vị thành niên, thanh niên và những người chưa kết hôn, di cư, dân tộc thiểu số và người cao tuổi còn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và dịch vực chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản.

Vì vậy, nên số trường hợp có thai ngoài ý muốn vẫn tăng đáng kể, dẫn tới tỷ lệ nạo phá thai cao, đặc biệt trong nhóm thanh niên và người chưa kết hôn.

Phân tích số liệu gần đây từ Điều tra đánh giá các Mục tiêu trẻ em và phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2010 cho thấy hơn 10% thanh niên còn chưa được đáp ứng các dịch vụ sức khỏe tình dục và sinh sản. 

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp tử vong mẹ xảy ra tại các vùng dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, các lây nhiễm qua đường tình dục (bao gồm HIV) tiếp tục là một trở ngại.

Bà Mandeep K. O'Brien, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là Việt Nam cần thực hiện các nghiên cứu xã hội và nghiên cứu ứng dụng để có thể hiểu rõ hơn về các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế và cấu trúc có ảnh hưởng tới phụ nữ và nam giới khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Những nghiên cứu đó có thể cung cấp bằng chứng chính xác giúp xây dựng chương trình và chính sách đáp ứng nhu cầu thực sự về sức khỏe tình dục và sinh sản của thanh niên.

Tại hội nghị, có 32 bài báo cáo chia thành 7 chủ đề chính, là những lĩnh vực ưu tiên trong sức khỏe sinh sản như kê hoạch hóa gia đình-vô sinh, làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh, sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục vị thành niên và thanh niên, sức khỏe sinh sản ở nhóm dễ bị tổn thương (người có HIV) và ung thư sinh dục.

Các đại biểu tham gia hội nghị cũng được nghe bài trình bày của các chuyên gia quốc tế về các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và định hướng nghiên cứu trong tương lai.

Kết quả hội nghị sẽ được sử dụng cho việc định hướng các nghiên cứu tới đây về lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở Việt Nam, góp phần đạt được tiếp cận phổ cập chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản vào năm 2015.

Tại hội nghị, Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế Công Cộng và UNFPA cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đảm bảo thành tựu và tính bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản ở Việt Nam./.
Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục