Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước - chuyện dài kỳ

Tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm là "căn bệnh mãn tính" từ nhiều năm nay và đang có dấu hiệu nặng thêm. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chưa phải lúc "điều trị tích cực".

Tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm là "căn bệnh mãn tính" từ nhiều năm nay và đang có dấu hiệu nặng thêm. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây chưa phải lúc "điều trị tích cực".

Vỡ kế hoạch

Theo phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước đã được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2007 - 2010 cần sắp xếp hơn 1.500 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa hơn 900 doanh nghiệp. Thế nhưng, trong hai năm 2007 - 2008, chỉ sắp xếp được 266 doanh nghiệp trong đó cổ phần hóa 155 doanh nghiệp. Hết quý I/2009, cả nước cũng chỉ sắp xếp được 24 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 13 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp được cổ phần hóa sau hơn 2 năm là quá ít, mới chỉ có 168 doanh nghiệp/hơn 900 doanh nghiệp như kế hoạch, trong khi quỹ thời gian để hoàn tất cổ phần hóa hơn 732 doanh nghiệp còn lại chỉ là hơn 1 năm. Vậy là sau hai năm liên tiếp (2007 - 2008) không đạt kế hoạch cổ phần hóa, dấu hiệu vỡ kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2007 - 2010 đang lộ rõ.

Nguyên nhân khiến cổ phần hóa chậm vẫn... như cũ. Đó là: một bộ phận cán bộ lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Vẫn còn tình trạng mang nặng tư tưởng bao cấp, lo ngại sau chuyển đổi sẽ mất đặc quyền, đặc lợi. Không ít bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty nhà nước chưa tích cực, sâu sát trong chỉ đạo thực hiện cổ phần hóa.

Có thêm một lý do nữa lý giải cho việc cổ phần hóa chậm là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đại diện một doanh nghiệp đang trong diện bị "thúc ép" cổ phần hóa cho rằng, thời buổi khó khăn này, nếu cổ phần hóa theo kế hoạch thì không chỉ doanh nghiệp, mà cả Nhà nước cũng bị thiệt. Lý do là bởi các doanh nghiệp đang phải trầy trật đối phó với khủng hoảng, cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh đã khó, nên chưa thể tập trung cho việc chuyển đổi sở hữu. Suy giảm kinh tế khiến việc đấu giá cổ phần cũng khó mang lại giá tốt, nếu không muốn nói là giá trị doanh nghiệp "ngót" đi đáng kể so với thời điểm trước suy giảm.

Trọng hiệu quả hơn tiến độ

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, càng chậm trễ cổ phần hóa, thì doanh nghiệp Nhà nước càng mất sức cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc tài sản nhà nước bị thất thoát, nên cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay không nên vì sức ép kế hoạch mà "bán tống bán tháo" doanh nghiệp. Điều quan trọng là làm sao tiếp tục thực hiện tiến trình cổ phần hóa với tiến độ phù hợp, nhằm vừa không làm ảnh hưởng đến sự hồi phục của thị trường chứng khoán, vừa không làm giảm nguồn thu từ việc bán phần vốn nhà nước. Việc đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa là câu chuyện dài dài.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban nghiên cứu vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: "Có nhiều cách để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nhưng phải đặt trong điều kiện cụ thể. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm cổ phần hóa chỉ là phương tiện, chứ không phải mục tiêu. Nếu chỉ quan tâm đến tiến độ, thì sẽ tạo ra áp lực khiến phải đánh đổi giữa thời gian và hiệu quả, mà mục tiêu cuối cùng là hiệu quả".

Ông Cung phân tích, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là chuyện đương nhiên phải làm vì không thế thì doanh nghiệp khó phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, khi chưa xác định được mục tiêu tổng thể thì đừng vội cổ phần hóa, bởi nếu bán một lượng vốn lớn trong doanh nghiệp Nhà nước khi chưa làm rõ mục tiêu, thì thực chất chỉ chuyển tài sản Nhà nước sang tay tư nhân. Hơn nữa, bán vốn Nhà nước để cho một số cổ đông quá nhỏ tham gia vào doanh nghiệp Nhà nước quá lớn cũng không thay đổi được gì.

Nếu cổ phần hóa để chuyển độc quyền mà không tạo ra một môi trường cạnh tranh, thì cổ phần hóa chỉ chuyển từ độc quyền Nhà nước sang độc quyền tư nhân. Lúc đó, cổ phần hóa còn tai hại hơn so với không làm gì.

Cũng đồng quan điểm lúc này chưa nên vội vã đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa bằng mọi giá, ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Công ty quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital nhận định thị trường hiện tại không phải là môi trường hấp dẫn để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, khi Chính phủ thấy xuất hiện cơ hội tốt, thì quá trình cổ phần hóa cần được thực hiện nhanh chóng, nhằm sớm khắc phục tình trạng kém hiệu quả của khối doanh nghiệp Nhà nước./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục