Đánh giá cao nỗ lực chống tham nhũng của VN

Các đại biểu quốc tế khẳng định và đánh giá cao những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng.
Ngày 26/10, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) đã tổ chức Hội thảo “Thực thi Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Công ước chống tham nhũng (UNCAC) của Liên hợp quốc ”.

Hội thảo có sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và sự đóng góp của Tổ chức phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự Nhật Bản.

Trong ngày làm việc thứ nhất, các đại biểu dự hội thảo thảo luận theo hai chủ đề: Tổng quan về Chiến lược và UNCAC - tầm quan trọng, tác động của Chiến lược và UNCAC đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Những nội dung cơ bản của UNCAC và các lĩnh vực ưu tiên.

Các ý kiến phát biểu khẳng định và đánh giá cao những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng, thể hiện trong việc Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (ngày12/5/2009) và Chủ tịch nước phê chuẩn UNCAC (ngày 30/6/2009), UNCAC có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 18/9/2009.

Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam phân tích rõ ba mục tiêu chính của UNCAC là thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn; tạo thuận lợi và hỗ trợ hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật trong phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, kể cả thu hồi tài sản; thúc đẩy tính liêm chính, trách nhiệm giải trình và quản lý đúng đắn tài sản công…

Bằng hình thức gia nhập UNCAC, Việt Nam cũng như các quốc gia khác đã chứng minh sự sẵn sàng để chống tham nhũng. Bà Setsuko Yamazaki khẳng định, nhóm công tác quốc gia của Liên hợp quốc sẵn sàng giúp Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển tải các cam kết thực hiện những chuẩn mực và giá trị của UNCAC đến những người dân ở Việt Nam.

Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Koichi Aiboshi cho biết, Nhật Bản và Việt Nam đã thành lập Ủy ban chung về chống tham nhũng liên quan đến nguồn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản vào tháng 9/2008 và thỏa thuận về sáng kiến chung để cải thiện các quy định đấu thầu mua sắm và thực hiện dự án.

Nhật Bản đánh giá cao Chính phủ Việt Nam, qua việc phối hợp của các bộ, ngành có liên quan, đã thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng do Ủy ban chung đề ra và hy vọng rằng các biện pháp đó cũng sẽ được sử dụng để phòng, chống tham nhũng đối với các dự án phát triển không do Nhật Bản tài trợ.

Các tham luận tại hội thảo đã chỉ ra những mặt được và chưa được trong hoạt động phòng, chống tham nhũng của Việt Nam trong 3 năm qua; các yêu cầu về pháp lý và thủ tục, những vấn đề đặt ra trong việc hoàn thiện pháp luật của Việt Nam để thực thi UNCAC; các chính sách chống tham nhũng, các cơ quan chống tham nhũng, các biện pháp trong khu vực công, các dịch vụ tài chính, các nhân tố phi nhà nước trong thực hiện Chiến lược phòng, chống tham nhũng.

Hội thảo đánh giá cao ý nghĩa của của Chiến lược và UNCAC đối với công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.

Chiến lược đã xác định các mục tiêu căn bản, lâu dài cũng như những mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn, đề ra các giải pháp toàn diện, đồng bộ với một kế hoạch thực hiện cụ thể có lộ trình và bước đi thích hợp đồng thời xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và xã hội trong việc tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của chiến lược.

UNCAC đã tạo cơ hội để Việt Nam tranh thủ sự giúp đỡ của đông đảo các quốc gia thành viên về kinh nghiệm, trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật… Nhiều nội dung của UNCAC có thể nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong tương lai nhất là pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Hội thảo tiếp tục làm việc đến hết ngày 27/10. Hội thảo cũng sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 29 - 30/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục