Obama muối mặt vì Snowden đi tour Trung Quốc-Nga

Obama đang trải qua những nỗi cay đẳng kiểu thời Chiến tranh Lạnh khi lần lượt Trung Quốc rồi Nga từ chối trao trả Snowden cho Mỹ
Ít có cảnh tượng nào khiến tổng thống Mỹ mất mặt như thế, nhưng ông Barack Obama đang phải trải qua những nỗi cay đẳng kiểu thời Chiến tranh Lạnh khi lần lượt Trung Quốc rồi Nga từ chối trao trả lại cho Mỹ nhân vật đang bị truy lùng gắt gao nhất ở hợp chủng quốc: Edward Snowden. Người tiết lộ các chương trình thu thập thông tin bí mật của tình báo Mỹ, gồm Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), cho tới giờ đã thoát khỏi cuộc săn đuổi toàn cầu của Nhà Trắng, cơ quan tình báo đầy quyền lực và cả ngành tư pháp vốn nổi tiếng có cánh tay dài của nước Mỹ. Sau khi cân nhắc các lựa chọn chính trị, cả Bắc Kinh và Mátxcơva có vẻ như đã quyết định không hỗ trợ Washington và từ chối trục xuất Snowden về Mỹ khi anh đặt chân lên lãnh thổ các nước này. Nỗi đau của ông Obama càng thêm lớn khi mới cách đây vài tuần ông còn ngồi xuống tay bắt mặt mừng với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin. Ông Putin ngày 25/6 nói Nga không có cơ sở nào để trục xuất Snowden và nước này cũng không có hiệp định dẫn độ với Mỹ. Ông cũng nói nhà chức trách Nga không biết trước việc Snowden sẽ bay từ Hong Kong sang Mátxcơva, một nhận xét bị nghi ngờ ở Washington, khi nhiều nhân vật tai to mặt lớn cho rằng Trung Quốc và Nga đã khai thác Snowden lấy các thông tin tình báo hữu ích. “Rốt cuộc nước Mỹ và chính quyền Obama lâm vào cảnh múa gậy trong bị, phải chứng kiến một vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn diễn ra ngay trước mắt mà không có phương tiện gì để can thiệp”, Andrew Kuchins, một nhà phân tích về Nga tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, bình luận. “Cả chuyện này là rất mất mặt”. Nhà Trắng cũng không trông mong các nước đối thủ của họ sẽ trao trả Snowden, nhưng về mặt chính trị, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài theo đuổi nhân vật rắc rối này đến cùng. Ngày 25/6, chính quyền Mỹ nhắc lại với ông Putin rằng có những cơ sở pháp lý rõ ràng để Mátxcơva trục xuất Snowden. Putin đã biến Obama thành “một kẻ nghiệp dư nhu nhược” Trong khi đó, áp lực trong nước đang ngày càng gia tăng với ông Obama. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói cách hành xử của Nga là theo kiểu Chiến tranh Lạnh và chỉ trích ông Obama vì không thể hiện được vai trò lãnh đạo và bản lĩnh của một nguyên thủ nước Mỹ. “Putin là một cựu đại tá KGB già đời lúc nào cũng mơ về đại đế chế Nga”, ông McCain nói trên CNN. Cựu quan chức của chính quyền Bush, Peter Wehner, tuyên bố trên trang web Commentary rằng Putin đã biến Obama thành “một kẻ nghiệp dư nhu nhược”. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng chính quyền Obama ở vào thế khó trong việc xử lý vụ việc này. Bộ tư pháp, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), Nhà Trắng và Bộ ngoại giao phải đảm bảo mọi điều họ làm là hợp pháp và không gây tổn thất về chính trị trong việc theo đuổi Snowden. Nhưng nền dân chủ có những giới hạn của nó và nước Mỹ đã đạt tới những giới hạn trong cuộc truy lùng Snowden. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc rất quan trọng trên nhiều phương diện trong các ưu tiên ở nhiệm kỳ hai của ông Obama: kềm chế CHDCND Triều Tiên, chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria, thách thức hạt nhân Iran và lời kêu gọi cắt giảm vũ khí hạt nhân, mới chỉ là những vấn đề cơ bản nhất. Dẫu vậy, hành động của Putin, và cử chỉ của ông tại cuộc gặp thượng đỉnh với ông Obama tuần trước ở Bắc Ireland, cho thấy tổng thống Nga đã kết luận rằng Washington cần ông nhiều hơn là ông cần Obama. Mátxcơva cũng có thể muốn trả đũa việc Mỹ từ chối cho dẫn độ lái buôn tử thần Viktor Bout cũng như đạo luật Magnitsky của Mỹ trừng phạt các quan chức Nga bị cho là có tội trong vụ sát hại một luật sư ở Mátxcơva. Do triển vọng đưa được Snowden về Mỹ là khá mờ mịt, Nhà Trắng đã sử dụng chiến thuật lảng tráng và không mạo hiểm uy tín cá nhân của ông Obama. Ông chỉ đề cập mơ hồ về pháp quyền khi được hỏi về vấn đề này. Mọi khó khăn được đẩy người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney, người đã cảnh báo ngày 24/6 rằng Mỹ “không tin nổi” tuyên bố của một quan chức xuất nhập cảnh Hong Kong, và cả chính quyền Bắc Kinh, những người đã để Snowden ra đi. “Quyết định đó, không nghi ngờ gì nữa, có ảnh hưởng tiêu cực lên quan hệ Mỹ-Trung”, Carney nói. Người phát ngôn NSA Caitlin Hayden thì nói Nhà Trắng không muốn Snowden gây ra “ảnh hưởng tiêu cực” trong quan hệ Mỹ-Nga. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Coburn cảnh báo Mỹ có thể trả đũa trong tương lai. “Lần tới mà họ cần thứ gì đó chỉ chúng ta có thể cung cấp, có thể chúng ta sẽ từ chối”, Coburn nói trên MSNBC. “Nhưng chúng ta sẽ không công khai điều đó. Chúng ta không làm họ mất mặt”./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục