Rộn ràng ngày nghỉ lễ

Rộn ràng biểu diễn nghệ thuật mừng 30/4 và 1/5

Ở Hà Nội trong dịp lễ 30/4 và 1/5, nếu không đi chơi xa, những người yêu nghệ thuật có thể đi hội phố cổ, xem xiếc, xem hài kịch.
Vào dịp nghỉ lễ hàng năm, ngoài các tour du lịch, nhiều người quan tâm đến các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng. Khá nhiều chương trình hứa hẹn sự hấp dẫn sẽ lên sàn ở khắp nơi.

Phố cổ Hà Nội nhộn nhịp dịp lễ

Thông tin tin từ Ban quản lý phố cổ Hà Nội, chào mừng lễ 30/4 và 1/5, tại địa bàn phố cổ sẽ tổ chức một số hoạt động văn hóa mục đích tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Theo đó, sáng 28/4 tại đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc) sẽ khai mạc cuộc trình diễn nghề và sản phẩm kim hoàn của các làng nghề Hà Nội và triển lãm thư pháp có đề tài liên quan đến phố nghề của thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng.

Cùng ngày, tại Trung tâm thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm, ngoài mục thưởng trà trong không gian thư pháp,  sẽ có màn trình bày và biểu diễn võ thuật của các võ sư VOVINAM Hà Nội.

Triển lãm tranh mang tên Sen Việt của họa sĩ Đặng Phương Việt tại ngôi nhà di sản 87 Mã Mây cũng là một hoạt động đáng lưu ý dịp này. Chủ yếu các hoạt động còn lại sẽ diễn ra trong vòng một tuần, với ngày lễ 30/4 là tâm điểm.

Độc đáo kịch xiếc mới

Theo nghệ sĩ ưu tú Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chương trình kịch xiếc độc đáo kết hợp giữa thế giới cổ tích thần tiên với những tiết mục xiếc đặc sắc mang tên “Huyền thoại xứ Ai Cập: chuyện về công chúa Hamura cứu cha" sẽ được ra mắt khán giả từ ngày 29/4 tại Rạp Xiếc Trung ương.

Đây là món quà ý nghĩa với những câu chuyện cổ tích và khám phá những tiết mục độc đáo, mạo hiểm, ly kỳ, hồi hộp của nghệ thuật xiếc, xen kẽ là những tiết mục hài và xiếc truyền thống.

Chương trình không chỉ dành cho trẻ em mà còn hướng tới tất cả các đối tượng có nhu cầu giải trí trong dịp nghỉ lễ.

Nội dung của chương trình “Huyền thoại xứ Ai Cập: Chuyện về công chúa Hamura cứu cha” là câu chuyện ở một Xứ sở Mặt trời có đức vua, công chúa và thần dân của họ sống vui vẻ, hạnh phúc.

Trên sân khấu xiếc có những trò vui được biểu diễn để mọi người vui chơi và mỗi buổi sáng được chúng kiến nhà vua cưỡi voi đi chào thần dân, công chúa cưỡi ngựa, những chú khỉ tinh nghịch trong vườn thượng uyển, chú cún con xinh xắn theo sát bước chân của đức vua.

Trong xứ sở thanh bình ấy, những vị khách từ nơi xa đến được chào đón nồng nhiệt, họ mang đến những màn biểu diễn độc đáo như: tung hứng những chậu hoa, giữ thăng bằng trên chậu đồng…

Phần mở màn với sự xuất hiện đầy đủ các hoạt cảnh xiếc thú. Hồi hộp và kịch tính nhất khi câu chuyện xuất hiện của Vua Bóng tối, đại diện cho cái ác tràn vào Xứ sở Mặt trời, cắt ngang điều ước của công chúa vào đúng ngày sinh nhật của nàng, muốn bắt nàng về hầu hạ.

Cuộc chiến giữa nàng công chúa và Vua Bóng tối với nhiều phép thuật yêu ma trong tiếng nhạc rùng rợn với những màn diễn ảo thuật của các ảo thuật gia sẽ đem lại cảm giác hồi hộp. lo lắng và thích thú cho khán giả. Câu chuyện cổ tích được tái hiện bằng các tiết mục xiếc tạo ra sự hứng thú mới lạ.

Tại Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ phục vụ khán giả Thủ đô bằng "đặc sản" của mình là những tiểu phẩm hài trong "Đời cười - Phố cười" vào hồi 20giờ ngày 1 và 2/5 tại Nhà Hát Lớn./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục