Chưa đến lúc đối thoại

LHQ: Chưa đến lúc đối thoại với phiến quân ở Mali

Tổng Thư ký Liên hợp quốc ngày 22/1 tuyên bố hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để đối thoại với phiến quân Hồi giáo tại Mali.
Hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để đối thoại với phiến quân Hồi giáo tại Mali. Đây là tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đưa ra ngày 22/1 khi đề cập tới cuộc khủng hoảng tại Mali hiện nay.

Theo nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, giải pháp đối với tình trạng bạo loạn ở quốc gia Tây Phi này cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các biện pháp chính trị, ngoại giao và quân sự.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh Mali đang đối mặt với một thách thức chính trị lớn lao và sự sụp đổ của nền dân chủ tại nước này đã mở đường cho sự trỗi dậy của các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Ông cho rằng những thắng lợi quân sự cần đi đôi với nỗ lực khôi phục trật tự hiến pháp và luật pháp quốc gia.

Về vai trò của Liên hợp quốc tại Mali trong bối cảnh tổ chức này đang phải đối mặt với sức ép phải hỗ trợ tài chính hoặc hậu cần, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho rằng sự hỗ trợ của tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này đối với các chiến dịch tiễu trừ các tay súng Hồi giáo có thể đặt các nhân viên dân sự của Liên hợp quốc vào tình thế nguy hiểm, đe dọa các nhiệm vụ của họ trong toàn bộ khu vực Tây Phi.

Trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an đề ngày 22/1, ông Ban Ki-moon cảnh báo sự hỗ trợ tài chính và hậu cần trực tiếp của Liên hợp quốc cho một lực lượng của châu Phi trong cuộc chiến chống khủng bố ở Mali có thể đe dọa tính trung lập của tổ chức này.

Tổng thư ký đã đưa ra ba lựa chọn cho Hội đồng Bảo an để hỗ trợ Sứ mệnh Hỗ trợ quốc tế do châu Phi dẫn đầu tại Mali (AFISMA), theo đó, các nước sẽ hỗ trợ hậu cần theo cơ chế song phương, Liên hợp quốc hỗ trợ hậu cần gián tiếp thông qua đóng góp của các nước thành viên hoặc Liên hợp quốc có thể hỗ trợ quá trình triển khai và để các nước thành viên tiến hành các chiến dịch quân sự.

Hiện Liên hợp quốc đang triển khai một chiến dịch nhân đạo lớn tại khu vực Sahel, trải rộng qua các vùng lãnh thổ miền Bắc Senegal, miền Nam Mauritania, miền Trung Mali, miền Nam Algeria và Niger, miền Trung Cộng hòa Chad, miền Nam Sudan, miền Bắc Cộng hòa Nam Sudan và Eritrea.

Các nước này đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng toàn diện do sự hỗn loạn chính trị, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và kinh tế mong manh.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 22/1, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton khẳng định EU sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Mali.

Italy cũng cho biết sẽ điều ba máy bay đến Mali đễ hỗ trợ quân đội Pháp và Mali chiến đấu với phiến quân Hồi giáo sau khi quốc hội nước này "bật đèn xanh" cho việc triển khai một sứ mệnh hậu cần kéo dài từ 2-3 tháng.

Italy cho biết cũng sẽ điều động "hai máy bay vận tải C-130 và một máy bay tiếp nhiên liệu 767."

Canađa dự kiến sẽ kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ của máy bay vận tải Boeing C-17 Globemaster hỗ trợ quân đội Pháp và Mali.

Trước đó, Ottawa đã đề xuất máy bay này thực hiện một nhiệm vụ kéo dài một tuần nhưng Pháp đã yêu cầu Canada và các đồng minh tăng cường hỗ trợ vận tải hàng không.

Trong một diễn biến liên quan, Lầu Năm Góc khẳng định có lý do để tin rằng tổ chức khủng bố al-Qeada tại Bắc Phi (AQIM) đóng vai trò cầm đầu trong vụ khủng hoảng con tin tại Algeria nhằm trả đũa lực lượng Pháp can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali.

Phát biểu trước báo giới ngày 22/1, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc George Little tuyên bố: "Khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố kiểu này ở Bắc Phi, AQIM phải được liệt vào danh sách nghi can hàng đầu."

Nhà Trắng cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang phối hợp với Chính phủ Algeria để tìm hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục