Cam kết giúp châu Âu

Trung Quốc cam kết giúp châu Âu giải quyết nợ công

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc sẵn sàng giúp EU giải quyết nợ công, song không nói rõ có thể góp bao nhiêu.
Chiều 14/2, hội nghị cấp cao Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 14 đã diễn ra tại Bắc Kinh.

Hội nghị tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ công ở EU, quan hệ và hợp tác song phương.

Dự hội nghị có Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso.

Phát biểu với các nhà báo sau hội nghị, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường tham gia giúp EU giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song không nói rõ có thể đóng góp bao nhiêu vào Quỹ bình ổn tài chính châu Âu hiện cần số tiền lên tới 500 tỷ euro.

Ông cho biết, Trung Quốc muốn được chứng kiến châu Âu, đối tác buôn bán lớn nhất của nước này, duy trì ổn định và thịnh vượng. Theo ông, Trung Quốc đang xem xét phương thức sử dụng các quỹ giải cứu của châu Âu để đẩy lùi những nguy cơ về tài chính ở châu lục này.

Tại hội nghị, ông Ôn Gia Bảo đã nêu đề xuất 5 điểm nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa EU và Trung Quốc trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay.

Các điểm này gồm tăng cường đầu tư qua lại lẫn nhau; thúc đẩy phát triển buôn bán song phương một cách cân bằng và bền vững; củng cố hợp tác về đổi mới và nghiên cứu khoa học; gia tăng hợp tác trong vấn đề năng lượng và bảo vệ môi trường; và thúc đẩy hợp tác giải quyết tình trạng đô thị hóa.

Thủ tướng Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn ảnh hưởng tới thế giới trên mọi mặt chính trị, kinh tế và an ninh, thì đề xuất này là xu hướng hợp lý hiện nay để mỗi nước thúc đẩy cải cách và tham gia hơn nữa vào hợp tác quốc tế.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng EU Rompuy cho biết, EU là đối tác buôn bán lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc cũng đang tiến tới là đối tác thương mại lớn nhất của EU với kim ngạch buôn bán hai chiều mỗi ngày đã vượt quá 1 tỷ euro.

Ông kêu gọi hai bên tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho buôn bán và đầu tư song phương trong nỗ lực cải thiện các quan hệ thương mại giữa hai bên.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế và việc làm, ông gợi ý rằng, chiến lược hợp tác lâu dài giữa EU và Trung Quốc nên tập trung vào đổi mới, nghiên cứu khoa học, công nghệ, năng lượng, viễn thông, cũng như sự hợp tác mới trong lĩnh vực đô thị hóa.

Chủ tịch EC Barroso cũng cho biết, EU ủng hộ nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tái cấu trúc mô hình phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào tăng nhu cầu trong nước.

Ông bày tỏ hài lòng về mối quan hệ buôn bán song phương, nhấn mạnh rằng mối quan hệ này đã thúc đẩy việc làm, sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế cho cả hai bên. Ông cho rằng, điều quan trọng là cần tạo môi trường cạnh tranh mở và công bằng cho các doanh nghiệp cả hai bên.

Hội nghị cấp cao Trung Quốc-EU diễn ra vào thời điểm tổ chức đánh giá tín dụng Moody’s vừa hạ bậc xếp hạng tín nhiệm sáu nước châu Âu, gồm Tây Ban Nha, Italy, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh và Áo.

Trong khi đó, Hy Lạp đang chật vật đối phó với làn sóng bạo loạn sau khi Quốc hội nước này thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới để đổi lấy gói cứu trợ 130 tỷ euro từ "bộ ba" Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Thế giới (WB)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục