Tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật lưu trữ, Luật khiếu nại

Chiều 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật lưu trữ và Luật khiếu nại.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ nhất, chiều 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật lưu trữ và Luật khiếu nại.

Bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất về lưu trữ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, dự thảo Luật lưu trữ còn một số vấn đề lớn cần xin ý kiến chỉ đạo làm cơ sở cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2: Về việc quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ; tổ chức lưu trữ; Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ; thời hạn được phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử; xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ.

Kế thừa những quy định của pháp luật hiện hành đồng thời tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, bảo đảm quản lý thống nhất về lưu trữ, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng chỉ quy định Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam là toàn bộ tài liệu lưu trữ không phân biệt nguồn gốc và thời gian hình thành, nơi bảo quản, hình thức sở hữu, được Nhà nước bảo quản hoặc thống kê.

Đồng thời, xác định rõ việc bảo quản, lưu trữ tài liệu có thể ở nhiều nơi và do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhưng quy trình, nghiệp vụ lưu trữ và việc quản lý nhà nước về lưu trữ phải được thực hiện thống nhất.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc quy định chỉ tổ chức lưu trữ lịch sử 2 cấp là trung ương và cấp tỉnh như trong dự thảo là phù hợp. Việc quy định chỉ thành lập lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho tập trung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hiện đại hóa kho tàng, trang thiết bị làm việc để bảo quản an toàn và tổ chức sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ; đồng thời đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian, góp phần thực hiện cải cách hành chính.

Đồng tình với nội dung giải trình, tiếp thu của Ủy ban Pháp luật, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, phần lớn tài liệu lưu trữ có giá trị lịch sử ở cấp huyện có nội dung đã được bao hàm trong tài liệu lưu trữ cấp tỉnh. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành việc tách riêng một điều (Điều 18) về Hội đồng xác định giá trị tài liệu; bổ sung và quy định cụ thể thành phần, nguyên tắc làm việc của Hội đồng như trong dự thảo.

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, dự thảo đã quy định chung về thành phần của Hội đồng xác định giá trị tài liệu, bảo đảm khi ban hành có thể thực hiện được ngay trên thực tế mà không cần phải có văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa,... đề nghị cần cân nhắc thêm quy định thời hạn được phép sử dụng tài liệu tại Lưu trữ lịch sử. Việc quy định thời hạn giải mật cần căn cứ vào tính chất của tài liệu lưu trữ, đối với tài liệu không quan trọng thì quy định thời hạn giải mật ngắn hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, có những văn bản yêu cầu phải được giữ bí mật trong một khoảng thời gian dài hoặc vĩnh viễn, cần được khoanh vùng. Trong khi đó, khoản 6 Điều 30 quy định còn quá chung chung. Mặt khác, cũng phải tính đến việc lưu trữ một cách bừa bãi, ồ ạt, “cái gì cũng đưa vào lưu trữ.”

Theo dự thảo, những tài liệu mật mặc dù đã hết thời hạn 40 năm, 60 năm theo quy định nhưng cần được tiếp tục bảo mật, chưa thể công khai thì cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu, mục đích cuối cùng của công tác lưu trữ là tài liệu phải được được khai thác, sử dụng, phục vụ cho con người, cho xã hội.

Đề nghị mở rộng, toàn diện hơn phạm vi điều chỉnh của dự án Luật khiếu nại

Một trong những nội dung quan trọng được đề nghị chỉnh lý của dự án Luật khiếu nại là mở rộng, toàn diện hơn phạm vi điều chỉnh. Theo đó, quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó.

Quan điểm này theo Ủy ban Pháp luật cũng phù hợp với quy định về quyết định hành chính và hành vi hành chính trong Luật tố tụng hành chính vừa được Quốc hội thông qua. Những vấn đề lớn khác được xin ý kiến lần này là khiếu nại đông người; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; việc tổ chức tiếp công dân; khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo đã bổ sung quy định khái niệm “Khiếu nại đông người” đồng thời bổ sung quy định về việc thụ lý các trường hợp khiếu nại đông người, địa điểm để công dân thực hiện khiếu nại đông người. Theo ông Phan Trung Lý, cần làm rõ khái niệm này để phân biệt với khiếu nại của nhiều người về những vụ việc khác nhau, nhiều người đi khiếu nại tập hợp với nhau...

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đồng tình nên có quy định trong Luật về khái niệm này nhưng cách giải quyết vẫn là từng người một; giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cần cân nhắc kỹ, thận trọng việc quy định khái niệm “khiếu nại đông người” bên cạnh khái niệm “khiếu nại” trong Luật bởi đây là vấn đề nhạy cảm, dễ bị lợi dụng.

Ông Nguyễn Văn Hiện cũng tán thành cơ chế giải quyết khiếu nại như quy định của dự thảo, theo đó, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện ở hai cấp hành chính. Theo ông, việc xây dựng một cơ chế tài phán hành chính trong tình hình hiện nay là rất khó khăn.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, để khắc phục những hạn chế trong cơ chế giải quyết khiếu nại hiện hành, phải có sự điều chỉnh về trình tự, thủ tục giải quyết theo hướng đơn giản, công khai, dân chủ và kịp thời hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếu nại. Đồng thời, người khiếu nại cũng có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết ở cơ quan hành chính.

Về tổ chức tiếp công dân, thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại cho thấy việc tiếp công dân để tiếp xúc, trao đổi về những vấn đề liên quan đến khiếu nại là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, tổ chức như thế nào cho hợp lý, đúng quy định của pháp luật là vấn đề cần bàn thêm.

Theo ông Lê Tiến Hào, hiện Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ sửa đổi Nghị định 89 về tổ chức tiếp công dân, có thể nâng lên thành Pháp lệnh hoặc Luật tiếp công dân./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục