"Sân nhà" không phải là nơi đối phó khủng hoảng!

Quay về “bành trướng” trong nước hay tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới đang là bài toán cho các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã có cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+ xung quanh vấn đề này.

Quay về “bành trướng” trong nước hay tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới đang là bài toán cho các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã có cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+ xung quanh vấn đề này.

Chúng ta đã mở cửa thị trường bán lẻ, vậy theo ông doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế gì không?
 

Ông Trương Đình Tuyển: Doanh nghiệp của chúng ta có 3 ưu thế ở thị trường nội địa. Thứ nhất là hiểu thị trường hơn, hiểu văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam hơn nên vẫn có cơ hội để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai là 85% người Việt Nam vẫn lựa chọn kênh phân phối truyền thống, trong khi các nhà phân phối nước ngoài vào Việt Nam vẫn chủ yếu là phát triển kênh phân phối hiện đại.
 

Thứ 3 là khi bán hàng ở thị trường nội địa thì chi phí các doanh nghiệp trong nước phải chi trả như vận tải, phân phối tiếp thị... cũng rẻ hơn. Chính vì 3 lý do trên, thị trường nội địa hoàn toàn có thể làm điểm tựa cho doanh nghiệp trong nước.
 

Theo ông, bài học gì được rút ra sau sự kiện này?
 

Ông Trương Đình Tuyển: Lâu nay, chúng ta vẫn hay chú trọng đến xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu như hiện nay thì doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, thay đổi quan điểm. Chúng ta coi thị trường xuất khẩu là quan trọng nhưng thị trường trong nước phải là điểm tựa.
 

Tuy nhiên,doanh nghiệp nên xác định chiến lược phát triển lâu dài ở thị trường nội địa chứ không phải quay sang thị trường nội địa chỉ để đối phó với khủng hoảng và trong lúc xuất khẩu gặp khó khăn.
 

Đây là bài học xương máu, cần nhìn nhận lại. Bởi vì, bản thân thị trường nội địa của chúng ta rất tiềm năng với quy mô dân số trên 80 triệu dân, dân số trẻ, tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong những năm qua đều ở mức trên 20%. Còn xuất khẩu không thể tăng trưởng liên tục mãi ở mức trên 20% như những năm vừa qua. Chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 13% trong năm nay là rất khó thực hiện trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, các thị trường xuất khẩu chủ lực của chúng ta suy giảm sức mua.
 

Vậy phải chăng đây chính là lúc để chúng ta đẩy mạnh việc kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam?
 

Ông Trương Đình Tuyển: Chúng ta đã hội nhập, những yêu cầu như thế sẽ vi phạm các quy định của WTO. Hơn nữa, kêu gọi chung chung  người Việt Nam dùng hàng Việt Nam là rất khó thuyết phục. Cái cốt lõi là doanh nghiệp phải cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng hàng hóa và có giá thành cạnh tranh.
 

Có thể nhắc lại bài học năm 1999, sau khi Việt Nam ký Hiệp định mậu dịch tự do với Trung Quốc, hàng Trung Quốc đã ồ ạt tràn vào Việt Nam như bia Vạn Lực, gạch ngói, quần áo, đồ điện tử... làm khốn đốn nhiều doanh nghiệp trong nước. Nhưng sau đó, do sức ép cạnh tranh, hàng hóa của chúng ta dần nâng cao chất lượng lên thì đã cạnh tranh được với những mặt hàng này.
 

Theo ông thì trong thời điểm này,  doanh nghiệp nên làm thế nào?
 

Ông Trương Đình Tuyển: Về cơ bản là doanh nghiệp phải xác định được tư tưởng về tầm quan trọng của thị trường nội địa. Nhưng để thành công thì doanh nghiệp phải xác định đối tượng khách hàng phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành.

Không phải doanh nghiệp nào cũng làm được những sản phẩm tốt nhất và không phải khách hàng nào cũng lựa chọn sản phẩm tốt nhất vì những sản phẩm đó thường có giá thành cao. Trong khi đó, tầng lớp có thu nhập cao chỉ chiếm khoảng 10% dân số, còn phân khúc thu nhập trung bình và thấp thì chiếm số đông.
 

Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng có thể thay đổi cơ cấu mặt hàng, sản phẩm cho phù hợp. Ví dụ như, trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì người tiêu dùng thường quan tâm tới những sản phẩm thiết yếu nhiều hơn hàng cao cấp.
 

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

Xuân Quảng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục