Tìm sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho du khách

Tìm sản phẩm đặc trưng nào cho du khách là câu hỏi không chỉ làm đau đầu doanh nghiệp du lịch mà cả những nhà quản lý ngành này.
Tìm sản phẩm đặc trưng nào cho du khách là câu hỏi không chỉ làm đau đầu các doanh nghiệp du lịch mà cả với những nhà quản lý du lịch. Chương trình kích cầu du lịch năm 2010 có tên gọi "Việt Nam - Điểm đến của bạn" đã được khởi động nhưng đến nay, ngành du lịch vẫn lúng túng chưa biết nên giới thiệu sản phẩm hàng lưu niệm nào cho khách.

Mọi việc vẫn đang trong giai đoạn bàn thảo và chờ đợi...

Chi cho mua sắm thấp

Du lịch kết hợp mua sắm, nhất là mua những sản phẩm lưu niệm về làm quà cho người thân, bạn bè là nhu cầu của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Nhưng đâu là mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Việt Nam và của từng vùng miền để giới thiệu tới du khách và khiến họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua? “Trông người mà ngẫm đến ta” mới thấy sự khác biệt về làm du lịch.

Đối với nhiều nước lân cận trong khu vực, lợi nhuận từ việc mua sắm của du khách là nguồn thu nhập chính của ngành du lịch như Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Trong buổi công bố chương trình kích cầu du lịch năm 2010, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đưa ra con số đáng buồn về chi tiêu dành cho mua sắm của khách quốc tế tại Việt Nam. Tính trung bình trong tổng chi phí cho chuyến du lịch đến Việt Nam, du khách chỉ chi khoảng 10-15% cho mua sắm; trong khi đó, Thái Lan đã thu được từ 50-55%.

Một chuyên gia trong ngành du lịch nhận xét du lịch Việt Nam mới chỉ khai thác tài nguyên sẵn có mà chưa biết làm các dịch vụ gia tăng.

Trên thực tế, khi khách đến Việt Nam, họ không biết mua gì làm quà. Đó cũng là lý do khiến 70% du khách đến Việt Nam “một đi không trở lại.”

Anh Lại Văn Quân, điều hành tour Công ty du lịch Mai Linh cho biết ngay tại các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia, Singapore...), việc sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ du khách đã được coi trọng từ lâu. Việc tổ chức bán hàng lưu niệm cho khách cũng rất bài bản.

Chương trình shopping là một phần không thể thiếu trong tour bởi cách làm dịch vụ của họ rất tốt. Ngay tại các khách sạn, du khách có thể mua mặt hàng lưu niệm với các chủng loại, mẫu mã đa dạng và phong phú.

Trong khi đó ở Việt Nam, việc dẫn khách nước ngoài đi mua hàng lưu niệm cũng gặp khó khăn. Mỗi cửa hàng một giá khác nhau, chất lượng hàng lại không đảm bảo. Do đó, với nhiều hướng dẫn viên, cách tốt nhất là đưa khách vào siêu thị, các chợ, nhưng khách nước ngoài lại “dị ứng” với chợ của Việt Nam.

Theo các công ty du lịch, du khách quốc tế đến Việt Nam đặc biệt ưa chuộng những món quà lưu niệm được làm bằng tay. Dù hầu hết các địa phương trên cả nước đều có làng nghề thủ công truyền thống, nhưng những sản phẩm để bán cho du khách lại đơn điệu về chủng loại và mẫu mã. Do đó, du khách đến các cửa hàng làng nghề chỉ để... tham quan.

Đâu là sản phẩm lưu niệm giới thiệu cho khách?

Trong chương trình kích cầu du lịch năm 2010, một điểm mới đáng chú ý là chương trình xúc tiến tại chỗ thông qua việc tặng quà lưu niệm cho du khách.

Tổng cục Du lịch còn đề nghị mỗi tỉnh thành có một sản phẩm lưu niệm đặc trưng bởi thực tế 80% du khách đến Việt Nam hiện nay qua sự giới thiệu của bạn bèn hoặc những người đã đi du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tặng gì cho du khách đang là câu hỏi lớn.

Ngay sau khi công bố chương trình kích cầu du lịch Việt Nam năm 2010, Tổng cục Du lịch đã làm việc với với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Công Thương Hà Nội, một số doanh nghiệp du lịch lớn nhằm “bàn kế” xem tặng quà lưu niệm nào cho khách đến du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Tuy nhiên, đến nay, ngành du lịch và Hà Nội vẫn chưa tìm ra một mẫu biểu tượng đặc trưng của Thủ đô ngàn năm tuổi để làm quà tặng cho du khách.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết Hà Nội đang phát động cuộc thi “Sáng tác mẫu quà tặng chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội” nhưng phải đến 15/6 mới hết hạn nhận bài thi, sau đó mới công bố kết quả và đưa vào sản xuất.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Hanoi Redtour thì cho rằng quà lưu niệm không nên tặng, để khách chọn mua theo ý thích. Việc cần làm bây giờ là ngành du lịch nhanh chóng tìm ra một biểu trưng cho xứng tầm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và của cả ngành du lịch. 

Ông Hoan cho rằng có thể dùng kinh phí để làm quà lưu niệm đó hỗ trợ làng nghề để làm ra một quà lưu niệm biểu trưng với giá cả vừa phải. Việc công bố giá phải rõ ràng và đồng nhất bởi thực tế, có rất nhiều du khách phàn nàn chuyện trong cùng một đoàn, cùng đi shopping, nhưng mỗi người mua một giá khác nhau, có người mua giá đắt tới hàng chục lần và họ có cảm giác như bị “lừa.” Đã vậy, một số khách nhận xét về chất lượng một số sản phẩm làng nghề không tốt, mau hỏng. Do đó, việc đưa ra sản phẩm lưu niệm cần sự đồng nhất về giá cả, chất lượng.

Ông Hoan cũng cho biết bản thân công ty cũng đã thử giới thiệu cho du khách về sản phẩm làng nghề như làng lụa Vạn Phúc, nón làng Chuông, gốm sứ Bát Tràng nhưng vẫn thấy có gì đó chưa ổn./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục