Ngừng kích cầu quá sớm, kinh tế chậm phục hồi

Các nhà lãnh đạo thế giới cho rằng sự phục hồi kinh tế diễn ra rộng song chưa vững chắc và các chính phủ nên duy trì gói kích cầu.
Ngày 28/1, thảo luận về tình hình kinh tế thế giới hậu khủng hoảng tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 40 diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách thế giới đã tỏ ra lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu có thể chững lại nếu các chính phủ rút các gói kích thích kinh tế quá sớm.

Phát biểu tại WEF, Thủ tướng Canada Stephen Harper khẳng định sự phục hồi kinh tế đang diễn ra rộng, song chưa vững chắc. Vì vậy, ông kêu gọi các chính phủ trên thế giới nên duy trì các chương trình hỗ trợ kinh tế.

Cũng đề cập đến vấn đề này, ông John Lipsky, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thể chế giám sát các hoạt động tài chính thế giới, cũng cho rằng việc tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế là giải pháp tốt nhất để có thể duy trì đà tăng trưởng dài hạn.

Ông Lipsky cho biết do tốc độ phục hồi tại các khu vực trên thế giới khác nhau, tuần qua, IMF đã nâng dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3,9% trong năm 2010 sau khi mức tăng trưởng này giảm 0,8% trong năm 2009. Tuy nhiên, ông khẳng định chỉ có thể đạt được kết quả này nếu các chương trình kích thích kinh tế và tiền tệ ước tính khoảng 5.000 tỷ USD phát huy hết hiệu quả.

Cũng tại diễn đàn này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận còn nhiều khó khăn ở phía trước cả ở trong nước và nước ngoài, và để giải quyết những vấn đề này, Trung Quốc cam kết sẽ duy trì các chính sách ổn định tài chính và tiền tệ.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, đảm nhiệm chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) trong năm nay, cũng kêu gọi các nước thành viên thận trọng khi bắt đầu rút các gói kích thích kinh tế.

Cho đến nay, Australia là nước duy nhất đã tăng lãi suất, trong khi các ngân hàng trung ương khác mới chỉ bắt đầu rút bớt lượng tiền mặt bơm vào hệ thống tài chính nhằm ngăn chặn nguy cơ sụp đổ hoặc đóng băng các nền kinh tế.

Ngoài kinh tế, dầu mỏ cũng là một vấn đề được thảo luận sôi nổi tại diễn đàn WEF năm nay. Theo phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ), các nhà sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới hiện đang có những quan điểm khác nhau về tương lai của ngành sản xuất này khi cho rằng sự tăng trưởng kinh tế thế giới lại một lần nữa đặt ra vấn đề về nguy cơ cạn kiệt nguồn dầu mỏ.

Phát biểu tại cuộc thảo luận bàn tròn tại WEF, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn dầu lửa Aramco của Arập Xêút, ông Khalid Al Falih đã trấn an người tiêu dùng và các thị trường dầu mỏ khi cho rằng “cuộc khủng hoảng đã đẩy lui nguy cơ cạn kiệt dầu mỏ về phía sau".

Tuy nhiên, quan điểm lạc quan này đã bị nhiều chuyên gia và nhiều chủ tịch tập đoàn dầu khí khác phản bác lại. Ông Thierry Desmardes, Chủ tịch Tập đoàn dầu lửa Pháp Total, cho rằng, trong 10 năm tới đây, các nhà sản xuất dầu lửa trên thế giới không thể có đủ phương tiện để có thể sản xuất hơn 95 triệu thùng dầu mỗi ngày, tức chỉ tăng 10% mức sản xuất dầu lửa hiện nay.

Theo ông Thierry, vấn đề không phải là nguồn dầu mỏ, mà là các mỏ mới rất khó khai thác. Thậm chí cần phải có nguồn đầu tư ngày càng lớn. Và trong bối cảnh giá nguyên vật liệu leo thang thì việc tăng đầu tư cho hoạt động này ngày càng trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sự cầm chừng trong phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất dầu lửa có thể sẽ rất nguy hiểm khi không đảm bảo đủ lượng dầu mỏ cho nhu cầu của thế giới.

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc tập đoàn Royal Dutch Shell, phải mất từ 25 tới 30 năm nữa, thế giới mới có thể bắt đầu giai đoạn khai thác hình thức năng lượng mới và có thể sử dụng hình thức năng lượng này một cách rộng rãi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục