Eurozone vẫn là một mối đe dọa kinh tế toàn cầu

Những khó khăn của Eurozone đang ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ, thông qua các thị trường tài chính và lĩnh vực ngân hàng.
Phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ dẫn nhận định của Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) cho rằng hiện tại khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn là trung tâm của các mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu.

Những khó khăn của khu vực này đang ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ, thông qua các thị trường tài chính và lĩnh vực ngân hàng, cùng với đó là tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu.

Việc thiếu một sự lãnh đạo chính trị vững mạnh làm châu Âu gần như không thể đẩy mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng vì ngay khi có đề xuất thúc đẩy thì đã có những phản đối bác bỏ kế hoạch. Việc các đề xuất chính sách lớn phải được tất cả 17 nước thông qua làm cho việc đưa ra các quyết định trở nên chậm chễ, mà trong những cuộc khủng hoảng như thế này, các thị trường tài chính có thể làm giá trị các tài sản của khu vực suy giảm mạnh chỉ trong chốc lát.

Từ nhận định trên, EIU đề ra 3 bước đi cần thực hiện để có thể giúp ổn định tình hình tại châu Âu. Thứ nhất, các quan chức phải đưa ra một kế hoạch tin cậy cho việc cơ cấu lại nợ của Hy Lạp. Điều này có thể khởi đầu bằng việc thừa nhận rõ ràng rằng Hy Lạp cần phải tái cơ cấu.

Việc tái cơ cấu này sẽ phải bao gồm việc cắt giảm mạnh các khoản nợ cho Hy Lạp. Thứ hai, các ngân hàng phải được tái cấp vốn sau khi lần này đã có một cuộc đánh giá các ngân hàng một cách tin cậy.

Đề xuất thứ ba là các nhà lãnh đạo Eurozone phải bảo vệ Italy và Tây Ban Nha bằng việc cam kết hỗ trợ tài chính đủ để các thị trường không bị "dồn vào chân tường."

Điều này có thể đạt được bằng việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mua nhiều và liên tục trái phiếu chính phủ của Italia và Tây Ban Nha. Nếu không làm được điều đó, vì ECB đã thể hiện rõ là không muốn tiếp tục việc mua trái phiếu, các nhà lãnh đạo Eurozone sẽ phải nâng cao khả năng tài chính của Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) để nó có thể mua trái phiếu, cũng như giúp tái cấp vốn cho các ngân hàng và hỗ trợ Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục