Đổ trộm gần một tấn rác ra quốc lộ 5

Khoảng 16h30 ngày 3/11, Công an xã Tân Tiến, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã bắt quả tang một chiếc xe ôtô đổ trộm gần một tấn rác da giày xuống lòng đường của quốc lộ 5, gần Khu công nghiệp Nomura.

Khoảng 16h30 ngày 3/11, Công an xã Tân Tiến, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đã bắt quả tang một chiếc xe ôtô đổ trộm gần một tấn rác da giày xuống lòng đường của quốc lộ 5, gần Khu công nghiệp Nomura.

Thủ phạm đổ số rác trên là Lưu Thiếu Đào, điều khiển xe mang biển kiểm soát 16M - 0634. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ đổ rác thải da giày trộm đang diễn ra thường xuyên ở Hải Phòng trong thời gian gần đây.

Hải Phòng có khoảng 40 doanh nghiệp ngành giày da, trong đó có gần 30 doanh nghiệp quy mô lớn, bình quân mỗi ngày thải ra hàng trăm mét khối rác cần được xử lý. Trước năm 2005, rác da giày một phần được xử lý qua lò đốt của Công ty TNHH Hưng Thịnh, còn lại chôn lấp cùng rác sinh hoạt ở bãi rác Tràng Cát.

Sau "sự cố" người dân Tràng Cát ngăn xe chở rác, đập lò đốt của Công ty TNHH Hưng Thịnh, các doanh nghiệp phải tự lo việc xử lý. Hầu hết các doanh nghiệp da giày thường hợp đồng với một đơn vị chuyên lo việc "tiêu thụ" khoản rác này mà không mấy bận tâm tới việc các đơn vị đó đưa rác về đâu đổ.

Riêng Công ty Da giày Hải Phòng là một trong những doanh nghiệp sản xuất giày và các sản phẩm da lớn nhất ở Hải Phòng, với năng lực sản xuất khoảng 10 triệu đôi giày/năm thì mỗi ngày, lượng rác thải ra hơn 20m3. Mỗi năm, Công ty này phải bỏ ra hàng tỷ đồng cho các hợp đồng thuê mướn đổ rác.

Chỉ một lượng nhỏ rác da giày được các doanh nghiệp thuê Công ty Môi trường Đô thị đưa sang Quảng Ninh và chuyển lên Hà Nội để xử lý triệt để, phần còn lại được "tập kết" ở những khu vực công cộng và vùng ngoại thành. Bởi chi phí cho việc xử lý triệt để rác da giày khá cao và không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực tài chính thực hiện phương án này.

Điều đáng nói, rác da giày thường là xốp dẻo tuy không bốc mùi như rác sinh hoạt nhưng rất khó phân huỷ, gây độc hại lâu dài cho môi trường. Trong khi Hải Phòng chưa có bãi rác, khu xử lý rác da giày thì việc xử lý vi phạm đổ rác trộm ra nơi công cộng còn chưa nghiêm minh, thiếu tính răn đe.

Người dân các huyện ngoại thành như An Dương, Kiến Thuỵ, An Lão, Thuỷ Nguyên đang mong chờ các cơ quan chức năng vào cuộc và mong đợi sự tự giác của các doanh nghiệp sản xuất da giày nêu cao tinh thần trách nhiệm với sức khoẻ cộng động để thực hiện các biện pháp an toàn vệ sinh môi trường./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục