Iceland: Ngân hàng sụp đổ do Chính phủ tắc trách

Chính phủ tiền nhiệm của Iceland đã "thiếu trách nhiệm trầm trọng" dẫn tới sự sụp đổ của ba ngân hàng lớn nhất nước này năm 2008.
Chính phủ tiền nhiệm của Iceland đã "thiếu trách nhiệm trầm trọng" dẫn tới sự sụp đổ của ba ngân hàng lớn nhất nước này.

Đây là kết luận được đưa ra trong bản báo cáo điều tra chính thức về nguyên nhân khiến hệ thống tài chính và tiền tệ Iceland sụp đổ năm 2008, do Ủy ban điều tra đặc biệt (SIC) tiến hành và đệ trình lên Quốc hội Iceland mới đây.

Theo đó, bản báo cáo dày 2.300 trang đã cáo buộc bảy quan chức của chính phủ tiền nhiệm, trong đó có cựu Thủ tướng Geir Haarde và cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương David Oddsson, đã phớt lờ các tín hiệu cảnh báo và đã không thực thi các biện pháp cần thiết để ngăn chặn một thảm họa kinh tế đang đến gần.

Đây cũng là bản báo cáo đầu tiên có sự phân tích đầy đủ nhất về nguyên nhân sụp đổ của các ngân hàng Iceland ở giữa thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

SIC cũng kết luận rằng các hành động giám sát của chính phủ tiền nhiệm đối với vấn đề ngân hàng của nước này là thiếu tính hệ thống và không tương xứng. Các quan chức đã quá tập trung vào vấn đề hình ảnh của các công ty tài chính, thay vì quan tâm đến một vấn đề hiển nhiên ở nước này là quy mô của hệ thống ngân hàng đã trở nên quá lớn gấp nhiều lần so với quy mô nền kinh tế.

Hơn nữa, nếu chính phủ tiền nhiệm triển khai các biện pháp cần thiết từ trước năm 2006, thì nhiều khả năng Iceland đã có thể ngăn chặn được sự sụp đổ của các ngân hàng, thay vì phải thỏa hiệp với các nước về giá trị các khoản nợ.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề tới Iceland, khiến ba ngân hàng lớn nhất của nước này là Kaupthing, Landsbanki và Glitnir sụp đổ do các khoản nợ lũy kế lên đến hàng tỷ USD trong quá trình đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài.

Tình cảnh này cũng đã buộc Chính phủ Iceland phải tìm kiếm sự trợ giúp tài chính có điều kiện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các quốc gia khác.

Hiện IMF đã thực hiện giải ngân 1 tỷ USD bước đầu trong gói cứu trợ trị giá 2,1 tỷ USD cho Iceland, và các bước tiếp theo sẽ được tiến hành tùy thuộc vào những tiến bộ trong việc tuân thủ các yêu cầu cải cách do IMF đặt ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục