VN được đánh giá cao vì vận động đội mũ bảo hiểm

Tổng Thư ký Liên hợp quốc khen ngợi Việt Nam trong việc tuyên truyền, vận động mọi người đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Đã thành truyền thống, ngày 18/11 hàng năm được Liên hợp quốc chọn làm ngày toàn thế giới tưởng nhớ các nạn nhân của những vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Năm nay, nhân dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã gửi thông điệp tới tất cả các quốc gia thành viên, kêu gọi cộng đồng quốc tế làm hết sức mình để giảm tối đa số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ.

Trong thông điệp này, ông Ban Ki-moon đã khen ngợi Việt Nam trong việc tuyên truyền, vận động mọi người phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đường bộ, nhờ thế, số người chấp hành biện pháp này đã tăng gấp ba lần, từ 30% lên 90%, và đã mang lại hiệu quả rõ ràng.

Ông cho biết, chỉ trong 10 tháng đầu năm nay trên toàn thế giới đã có gần 1,2 triệu người chết vì tai nạn giao thông đường bộ, và hàng triệu người bị thương.

Ông Ban Ki-moon dẫn báo cáo của các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc cho biết ngoài số người tử vong, trung bình trên thế giới mỗi năm có khoảng 50 triệu người bị thương tật suốt đời do tai nạn giao thông đường bộ.

Và điều đáng lo ngại hơn là loại hình giao thông này đã gây ra cái chết nhiều nhất cho thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 15 đến 25, với mức trung bình mỗi năm có khoảng 400.000 người trẻ tử vong khi tham gia giao thông đường bộ, nghĩa là mỗi ngày các cung đường bộ trên toàn thế giới đã cướp đi mạng sống của hơn 1.000 thanh thiếu niên, tuổi dưới 25.

Ông nhắc lại báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo rằng nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp thật quyết liệt và hiệu quả, thì tới năm 2030, các nạn nhân của tai nạn giao thông sẽ là một trong 5 nhóm người chết cao nhất thế giới vì các lý do khác nhau.

Ông Ban Ki-moon nhắc lại việc Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình hành động 10 năm (2011-2020) đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, bằng cách áp dụng mọi biện pháp cần thiết, như tuyên truyền về luật giao thông, nâng cấp đường bộ, lắp thêm biển báo, lập thêm các trạm cứu thương trên các tuyến giao thông huyết mạch,v.v, để giảm được ít nhất 5 triệu người chết.

Ông đánh giá cao việc nhiều quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã thực hiện tốt chương trình này, thí dụ như ở Chile đã có quy định bắt buộc mọi người ngồi trên xe, bất kể xe gì, cũng phải thắt dây an toàn, hay Trung Quốc, New Zealand, Brazil... đã đưa điều khoản cấm uống nước có cồn khi tham gia giao thông, kèm theo hình thức phạt nặng.

Cũng như vậy, để hưởng ứng chương trình hành động kể trên của Liên hợp quốc, mấy năm qua các nước Ghana, Ấn Độ, Mozambique, Pakistan... đã lập thêm nhiều trạm sơ cứu trên các tuyến đường bộ có mật độ giao thông cao, nhờ thế số người chết do không được sơ cứu kịp thời khi bị tai nạn đã giảm đáng kể.

Cảnh báo về số vụ tai nạn giao thông đường bộ đang có chiều hướng gia tăng cũng như mức độ thiệt hại, nhất là về con người do các vụ tai nạn này gây ra, ngày càng trầm trọng hơn, ông Ban Ki-moon kêu gọi các quốc gia tập trung mọi cố gắng, và có các biện pháp thiết thực để ngăn chặn tai nạn giao thông, và mỗi người phải nâng cao hiểu biết và ý thức khi tham gia giao thông để vừa bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục