Bảo tồn đa dạng sinh học vùng Nam Trường Sơn

WWF đã tổ chức hội thảo đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học vùng cảnh quan Nam Trường Sơn.
Ngày 25/6, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã tổ chức hội thảo đánh giá hiện trạng, thách thức và đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học vùng cảnh quan Nam Trường Sơn.

Tại hội thảo các đại biểu đã thống nhất đưa ra giải pháp tăng cường quản lý hành lang rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong vùng cảnh quan Nam Trường Sơn.

Các giải pháp chiến lược để tăng cường quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học gồm phục hồi, phát triển và quản lý rừng bền vững; bảo tồn tại chỗ các loài thực vật, động vật nguy cấp, quý hiếm; phát triển trồng rừng nguyên liệu và chế biến đa dạng các loại lâm sản; tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học...

Riêng các tỉnh thuộc địa bàn vùng cảnh quan Nam Trường Sơn là Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk cũng triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại vùng này.

Vùng cảnh quan Nam Trường Sơn có tổng diện tích 3,3 triệu ha, trong đó diện tích có rừng của vùng là hơn 1,4 triệu ha, hầu hết là rừng tự nhiên.

Trong vùng cảnh quan Nam Trường Sơn có khoảng 4.000 loài thực vật bậc cao, 100 loài thú, gần 400 loài chim, hơn 100 loài bò sát và lưỡng cư.

Theo thống kê, hiện nay trong vùng có gần 200 loài thực vật bậc cao và 123 loài động vật có xương sống trên cạn có giá trị bảo tồn cao.

Từ năm 2005-2011, diện tích rừng tự nhiên trong vùng cảnh quan Nam Trường Sơn bị suy giảm mạnh về diện tích và chất lượng rừng, trung bình mỗi năm có khoảng 27.300ha rừng trong vùng bị mất. Hiện độ che phủ rừng trên toàn vùng cảnh quan đạt 35,9%, thấp hơn so với Tây Nguyên và cả nước./.

Nguyễn Dũng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục