Ăn cắp xe đạp - chuyện thường ngày ở... London

Nếu ai đó bước vào quán ăn ở London với một bánh xe đạp, hãy đừng ngạc nhiên vì đơn giản là anh ta phải tháo bánh đề phòng mất cắp.
Nếu chợt nhìn thấy ai đó bước vào một quán ăn ở thủ đô London, tay cầm một chiếc bánh xe đạp, bạn chớ nghĩ rằng người này có vấn đề về đầu óc. Đơn giản anh ta buộc phải tháo rời bánh trước để đối phó với tình trạng trộm cắp xe đạp ngày càng phổ biến ở thủ đô xứ sở sương mù.

Mỗi ngày mất 63 chiếc

Theo thống kê mới nhất của cảnh sát, năm ngoái ở có khoảng 23.000 chiếc xe đạp ở London trở thành miếng mồi của bọn đạo chích, tương đương 63 chiếc bị mất cắp mỗi ngày, tăng 30% so với năm 2008.

Tuy nhiên, con số nói trên chỉ tính tới các vụ được thông báo với cảnh sát. Con số thực tế được ước tính có thể tăng thêm 40.000-60.000 chiếc, tức là mỗi ngày ở London xảy ra từ 172-227 vụ mất cắp xe đạp.

Xe bị mất cắp có thể cả chiếc, có thể chỉ một bộ phận nào đó, mà phổ biến nhất vẫn là bánh trước hoặc yên xe - những bộ phận có thể tháo rời bằng tay mà không cần phải phá khóa. Chính vì vậy, chủ nhân xe đạp thường chọn giải pháp dùng hai khóa hoặc một sợi xích dài khóa cả hai bánh xe.

Ngoài ra, người yêu thích đạp xe ở London còn đau đầu trước tình trạng phá hoại. Một chiếc xe đạp được khóa chắc chắn vào lan can trên vỉa hè, sáng hôm sau rất có thể trở thành một đống sắt vụn của đám thanh niên nghịch ngợm.

Giá trung bình một chiếc xe đạp người lớn ở Anh vào khoảng 200 bảng (gần 6 triệu đồng), nhưng những chiếc xe tốt, đẹp và tiện dụng có giá lên tới hơn 1.000 bảng.

Mặc dù không phổ biến như một số thành phố khác ở châu Âu, song xe đạp xuất hiện ngày càng nhiều ở London nhờ các biện pháp khuyến khích của chính quyền thành phố, cũng như tính tiện lợi và kinh kế của chúng.

Tìm lại xe nơi đâu?

Một tổ chức có tên “Cổ súy đạp xe London” (LCC) hôm 5/5 thông báo một tin khiến nhiều người giật mình: 80% những người được LCC phỏng vấn (tất nhiên là những người sử dụng xe đạp) cho biết họ ít nhất từng một lần bị mất cắp “ngựa sắt.”

Chưa hết, cứ 10 người được hỏi thì có một người đã từng bị mất cắp từ bốn chiếc trở lên; 70% cho rằng cảnh sát chỉ có những nỗ lực “làm vì” trong việc truy tìm tài sản cho họ.

Mike Cavenett, một thành viên của LCC, nói: “Tình trạng mua bán xe ăn cắp trên Internet đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Cần phải làm điều gì đó về vấn nạn trộm cắp này.”

Điểm đến của những chiếc xe đạp bị đánh cắp thường là các cửa hàng thu mua xe đạp cũ hoặc những con phố “chợ trời.”

Nằm ngay giữa thủ đô London, “chợ trời” Brick Lane nổi tiếng với du khách là nơi mua bán nhộn nhịp đủ mọi thể loại đồ cũ, từ quần áo, bàn ghế, thiết bị gia dụng, tới tạp chí, đĩa CD... Đây cũng là một địa chỉ cho những ai muốn có một chiếc xe đạp cũ còn khá tươm tất mà lại hợp túi tiền. Và cũng không có gì là ngạc nhiên nếu họ nhìn thấy đúng chiếc xe đạp bị mất cắp trước đó.

Tuy nhiên, sự phát triển của Internet và các hình thức giao dịch trực tuyến đang tạo ra một bãi đáp mới cho đồ ăn cắp. Có tới 1/6 số người bị mất xe đạp phát hiện tài sản của họ được rao bán trên các trang web mua bán-rao vặt trực tuyến như Gumtree hoặc eBay.

Dựa vào những thông tin này nhiều người đã nhờ cảnh sát tìm lại được “chú ngựa sắt thân yêu” và tống cổ tên đạo chích vào trại giam.

Trước tình trạng ngày càng đáng lo ngại, LCC đã phát động một chiến dịch chống trộm cắp xe đạp, trong đó đề nghị cảnh sát thành lập một đơn vị đặc biệt chống lại loại hình tội phạm này, đặc biệt cần để mắt nhiều hơn tới các khu “chợ trời” nói trên.

LCC cũng đề nghị các trang web mua bán-rao vặt siết chặt quy định về đăng ký thông tin cá nhân cũng như chứng minh sở hữu đối với các tài khoản đăng ký rao bán.

Đối với các cửa hàng chuyên thu mua xe đạp cũ, họ cần phải cam kết áp dụng một bộ quy tắc ứng xử trước khi nhận mua một chiếc xe đạp cũ của người lạ./.

Vũ Hội/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục