Mức phạt gây ô nhiễm quá nhẹ, doanh nghiệp "nhờn"

Mức xử phạt hành chính các đơn vị gây ô nhiễm môi trường tối đa chỉ có 70 triệu đồng nên doanh nghiệp không đầu tư hệ thống xử lý thải.
Tiến sĩ Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, cho rằng mức xử phạt hành chính các đơn vị gây ô nhiễm môi trường tối đa chỉ có 70 triệu đồng là quá thấp, chưa đủ mức răn đe.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ra quyết định phạt hành chính hơn 100 công ty, cơ sở xả thải gây ô nhiễm, với mức phạt nhiều đơn vị lên đến gần 70 triệu đồng.

Tuy nhiên, mức phạt này chẳng thấm tháp gì so với sự "hưởng lợi" của việc không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhiều công ty đã nhùng nhằng kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm.

Nhiều đơn vị vẫn xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ vài chục đến hàng ngàn lần gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng. Cụ thể, coliform trong nước thải của Công ty phát triển khu công nghiệp Biên Hòa vượt 1.233 lần, Công ty trách nhiệm hữu hạn Viết Hậu ở huyện Trảng Bom vượt 31.000 lần, Công ty cổ phần may Đồng Tiến vượt 3.100 lần, Nhà máy giấy Tân Mai vượt 77 lần, Công ty trách nhiệm hữu hạn Shing Mark Vina vượt 1.600 lần.

Hầu hết nguồn nước thải ở các khu công nghiệp và nhiều công ty đổ về sông Đồng Nai, đe dọa rất lớn đến sức khỏe của hàng triệu người dân.

Trao đổi về việc những đơn vị gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Đồng Nai, ông Phan Văn Hết, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Đồng Nai, cho biết tỉnh sẽ xử lý nghiêm các đơn vị cố tình gây ô nhiễm môi trường.

Ngoài xử phạt hành chính, tỉnh sẽ công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và buộc phải có biện pháp khắc phục kịp thời. Trường hợp vẫn tiếp tục xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ hoạt động; phải khắc phục xong hậu quả mới được tiếp tục sản xuất.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên-Môi trường Đồng Nai, trong số 21 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang hoạt động, mới chỉ có 10 khu công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục