Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục "chảy máu"

Ngày 20/5, các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục "chảy máu" khi các chỉ số chứng khoán quan trọng của khu vực giảm mạnh.
Tâm lý lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone không những khiến đồng euro mất giá mà còn đẩy chứng khoán châu Á rớt xuống mức thấp nhất trong hơn tám tháng.

Ngày 20/5 đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp các thị trường chứng khoán châu Á "chảy máu." Chứng khoán khu vực này có nguy cơ phải trải qua một tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2008. Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) MSCI giảm 2,3% xuống mức thấp nhất trong tám tháng qua. Riêng từ đầu tuần tới nay, chỉ số này đã giảm 8,5%. Còn nếu tính từ đầu năm, mức giảm là 11,3%. Nhóm cổ phiếu công nghiệp và nguyên vật liệu mất giá mạnh nhất.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei xác lập mức đáy mới của ba tháng qua, trong khi chỉ số KOSPI ở thị trường Hàn Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba tháng, do nhà đầu tư sợ rằng sức tăng trưởng kinh tế của khu vực sẽ chậm lại do các vấn đề của châu Âu.

Nhà đầu tư lại càng hoang mang sau khi Đức hạn chế các hoạt động đầu cơ trên thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu. Họ lo rằng với các chính sách "thắt lưng buộc bụng" khắc khổ mà các nền kinh tế yếu trong EU buộc phải áp dụng để đưa khu vực tài chính trở về đúng "quỹ đạo," sức tăng trưởng kinh tế của châu Âu cũng như của thế giới sẽ bị ảnh hưởng.

Trên nhiều sàn chứng khoán châu Á, các nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh hoạt động bán ra trong phiên 20/5. Theo Credit Suisse, trong tháng 5/2010, hoạt động bán ra của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường châu Á mới nổi (trử Trung Quốc và Malaysia) đang được triển khai với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.

Thị trường chứng khoán Sydney giảm 1,61% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/8/09. Thị trường chứng khoán Bangkok đóng cửa giao dịch do bạo động chính trị. Thị trường Đài Bắc, Manila và Wellington đóng cửa phiên 20/5 với mức giảm lần lượt là 1,78%, 0,32% và 0,34%.

Trong vài tuần trở lại đây, các thị trường chứng khoán thế giới đã bị điên đảo bởi cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu. Giới đầu tư lo ngại về khả năng sức phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí là sẽ dẫn đến một đợt khủng hoảng tài chính mới. Nhà đầu tư cũng tập trung dõi theo những chuyển biến kinh tế tại Mỹ, nơi giá tiêu dùng trong tháng 4/2010 sụt giảm - lần giảm đầu tiên trong 13 tháng qua. Hiện tượng này cho thấy Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ không sớm tăng lãi suất./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục