Sinh viên tranh thủ làm thêm trong dịp Đại lễ

Các bạn trẻ có cách rất riêng của mình để đón Đại lễ, không phải kế hoạch vui chơi mà đó là việc làm thêm kiếm tiền rất năng động.
Các bạn trẻ có cách rất riêng của mình để trải qua những ngày Đại lễ, không phải kế hoạch vui chơi mà đó là những kế hoạch kiếm tiền rất năng động.

Tranh thủ kiếm tiền dịp Đại lễ

Nguyễn Thị Ngoan, sinh viên Đại học Y tế Công cộng, kinh doanh nước khoáng, bim bim và cờ dán.

Đeo trên mình chiếc balô chứa hàng, Ngoan đi dạo hồ Hoàn Kiếm để bán cho du khách. “Sinh viên nên năng động một chút, những dịp này chịu khó bán hàng cũng có được một khoản chi tiêu. Giá tuy cao gấp đôi so với giá bình thường nhưng mình phải đeo nước nặng lắm. Mình vừa bán được có 10 chai, vẫn còn bim bim và cờ dán. Có một điều đặc biệt là khách mua hàng còn nhắc nhở mình khuyên mọi người vứt rác đúng nơi quy định.”

Trần Xuân Toản, sinh viên Đại học Nông nghiệp 1 cũng tranh thủ đi bán băng đô, cờ và cờ dán nhân dịp Đại lễ. Toản chia sẻ: “Nhóm bán hàng của mình gồm 4 bạn chia nhau ra bán ở các địa điểm hay tổ chức các sự kiện. Mỗi ngày mình bán được rất nhiều băng đô và cờ, riêng cờ dán bán hết rất nhanh. Mình cũng đã nghĩ đến việc buôn bán áo, một mặt hàng đang được nhiều bạn trẻ ưu thích, nhưng cuối cùng bọn mình lựa chọn bán những mặt hàng nhỏ và rẻ để mọi người đều có thể dễ dàng mua hưởng ứng Đại lễ”.

Bạn Thu Quỳnh, sinh viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ, đã đăng ký để trở thành trợ lý bán hàng trong Chương trình Liên hoan Du lịch và Ẩm thực Hà Thành tại Công viên nước Hồ Tây. “Trong 8 ngày làm việc này, mình sẽ kiếm được 800.000 đồng. Một số tiền không nhiều nhưng cũng đủ tiền tiêu vặt hoặc mua quần áo mình thích, cũng đang chuyển mùa rồi mà,” Quỳnh vui vẻ nói.

Chung một tình yêu Hà Nội

Ngoài đặc điểm chung là tính cách năng động, tự tin của những người trẻ, Ngoan, Toản và Quỳnh còn có một điểm chung là tình yêu dành cho Hà Nội.

“Mỗi ngày tranh thủ lên hồ Hoàn Kiếm bán hàng, dù trên xe buýt hay trên đường phố đều phát những bài hát về Hà Nội. Khi nghe những bài hát, mình cảm thấy trong lòng có gì đó rất xao xuyến, rất xúc động, dù là mình không phải là người Hà Nội, nhưng mình vẫn có gì đó rất háo hức, tự hào khi hòa mình vào không khí Đại lễ,” Ngoan chia sẻ.

Toản cũng có cách thể hiện tình yêu rất riêng, khi không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu trong dịp kinh doanh này. Cậu mong muốn có thật nhiều người tạo đeo băng đô ghi chữ "Tôi yêu Hà Nội" hay "1.000 năm Thăng Long-Hà Nội," mặt thì dán cờ dán hình cờ Việt Nam vì "đó sẽ là một hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế."

“Mình kinh doanh lãi không nhiều nhưng dù mấy ngày nữa đông khách hơn mình cũng không có ý định tăng giá bán. Mình muốn mọi người sẽ đẹp hơn, vui hơn từ những đồ nhỏ mình bán. Những ngày cuối của Đại lễ, mình sẽ kết hợp đi bán ít đồ sau đó tham gia vào đêm ca nhạc ở sân vận động Mỹ Đình,” Toản nói.

Do phải làm theo ca nên công việc làm thêm của Quỳnh không chủ động về thời gian như của Toản và Ngoan. Nhưng cô bạn này cũng có cách riêng để hòa mình vào Đại lễ - cô tranh thủ thời gian chưa phải đi làm để cùng bạn bè ngắm hồ Hoàn Kiếm buổi đêm, chụp ảnh trên Con đường gốm sứ.

Quỳnh nói: “Đi chơi trên hồ Hoàn Kiếm mình cảm nhận thấy không khí Đại lễ rất tưng bừng. Có điều gì đó cứ thôi thúc mình muốn trở thành một phần nào đó của ngày hội. Việc làm thêm của mình cũng nằm trong công việc tổ chức một trong các chương trình Đại lễ. Mình rất vui khi mình đã góp được chút sức lực của mình vào những ngày hội này.”/.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục