Trái chiều ở hai nền kinh tế lớn: Trung - Nhật

Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi khả quan hơn mong đợi. Trong khi tại Nhật Bản, mức cầu nội địa và giá nguyên liệu vẫn sụt giảm khiến chỉ giá bán buôn của thị trường này liên tục giảm mạnh, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trượt trở lại vào tình trạng giảm phát.

Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi khả quan hơn mong đợi.  Trong khi tại Nhật Bản, mức cầu nội địa và giá nguyên liệu vẫn sụt giảm khiến chỉ giá bán buôn của thị trường này liên tục giảm mạnh, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trượt trở lại vào tình trạng giảm phát.

Trung Quốc: Gói kích cầu phát huy

Những giải pháp kích cầu của Trung Quốc, bao gồm cả gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ Nhân dân tệ được Chính phủ nước này công bố tháng 11 năm ngoái, đã bước đầu phát huy tác dụng.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2009 đã tăng 8,3% sau khi xuống mức thấp kỷ lục 3,8% trong hai tháng đầu năm nay. Tháng 3 vừa qua cũng chứng kiến sự gia tăng kỷ lục của các khoản tiền cho vay mới, lên tới hơn 270 tỷ USD. Số liệu kinh tế vững chắc đã giúp đồng NDT của Trung Quốc cũng như thị trường chứng khoán lên giá mạnh trong phiên 13/4.

Cuối tuần qua, khi trả lời phỏng vấn các phóng viên tại Thái Lan, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng cho biết mặc dù chưa thoát khỏi khủng hoảng toàn cầu, nhưng nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới này đang có dấu hiệu phục hồi tốt hơn mong đợi.

Tờ China Securities Journal cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho gói kích thích kinh tế mới nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước. Khuyến khích tiêu dùng nội địa vốn là trọng tâm của các biện pháp kích thích kinh tế được Chính phủ Trung Quốc đưa ra thời gian qua.


Nhật Bản: Giảm phát

Trong khi đó, tình hình kinh tế Nhật vẫn u ám. Số liệu tháng 3 cho thấy giá bán buôn giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2002 do nhu cầu trong nước sụt mạnh đang đẩy Nhật Bản vào đợt giảm phát lần thứ hai trong thập kỷ này.

Theo các nhà phân tích, khi lãi suất trong nước ở mức gần 0%, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) không thể tiếp tục sử dụng tiếp biện pháp hạ lãi suất để kích thích tiêu thụ và đầu tư. BOJ không còn nhiều "công cụ" trong tay để đối phó với tình trạng giảm phát trong đợt suy thoái tệ hại nhất ở nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Ông Norihiro Fujito, Tổng Giám đốc Mitsubishi UFJ Securities, cho rằng chính sách tiền tệ BOJ đã "đi hết giới hạn". Nếu giá cả tiếp tục giảm, BOJ có thể cần mở rộng việc mua trái phiếu chính phủ và hướng tới việc nới lỏng có định lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục