Nhiều tranh cãi xung quanh việc đóng công đoàn phí

Mặc dù hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc cần quy định rõ việc tất cả các doanh nghiệp phải đóng công đoàn phí, không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và các doanh nghiệp FDI nhưng về mức đóng công đoàn phí vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Theo một số đại biểu, mức đóng công đoàn phí là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là thấp và không đủ đảm bảo chi trả cho các hoạt động của công đoàn. Mức 2% mà doanh nghiệp đóng phải tính trên tiền lương thực trả.
Sáng 18/4, Công đoàn ngành dệt may đã tổ chức Hội thảo về Luật Công đoàn (sửa đổi). Tại hội thảo, đại diện công đoàn của các công ty dệt may đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề trích nộp phí công đoàn.

Bình đẳng trong đóng công đoàn phí

Hầu hết các ý kiến trong buổi hội thảo đều đồng ý luật hóa việc đóng công đoàn phí, chứ không để tình trạng mức đóng công đoàn phí khác nhau, có nơi trích 2%, có nơi trích 1%, có nơi đóng theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và công đoàn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thu Bồn-Chủ tịch công đoàn kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định nói: “Mức đóng công đoàn phí của các doanh nghiệp nên công bằng, doanh nghiệp FDI cũng phải đóng như các loại hình doanh nghiệp khác.”

Theo ông Nguyễn Thu Bồn, trước kia để kích cầu đầu tư, chúng ta đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần được quan tâm, đối xử bình đẳng trong việc đóng công đoàn phí, nếu không lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI sẽ chịu nhiều thiệt thòi, không được quan tâm như lao động tại các doanh nghiệp khác.

Công ty cổ phần may Việt Thắng, một doanh nghiệp có nhiều công ty con liên doanh với nước ngoài nên có môi trường lao động đa dạng, phức tạp. Bà Đàm Minh Hoa, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần may Việt Thắng cho biết, đình công, lãn công thường xảy ra ở những doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân của của đình công và lãn công là do chăm sóc cho người lao động không được tốt, quyền lợi người lao động không được đảm bảo.

“Chăm sóc đời sống người lao động không tốt chính vì công đoàn không có nguồn thu, không thể chăm sóc cho đoàn viên công đoàn, thậm chí không thể bảo vệ quyền lợi người lao động. Muốn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để tăng tính đoàn kết cũng không có kinh phí.” Bà Đàm Minh Hoa nói.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đặng Quang Thanh, Chủ tịch công đoàn Công ty liên doanh may VIgawell Việt Nam cho rằng hiện tại, kinh phí hoạt động công đoàn chủ yếu do các doanh nghiệp trong nước đóng góp. Do vậy, đã đến lúc cần phải đồng đều về mức đóng công đoàn phí giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Đại diện cho giới sử dụng lao động, bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đồng tình với việc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp phải đóng công đoàn phí.

Theo bà Dung, nên thực hiện phải bình đẳng giữa tất cả các loại hình doanh nghiệp, và nó phải được luật hóa, có nghĩa là đã kinh doanh thì phải thực hiện chứ không phải có tổ chức công đoàn hay không có tổ chức công đoàn và phải quy định rõ trong luật.

“Như vậy sẽ không còn tình trạng có những doanh nghiệp không mất tiền công đoàn phí nên có giá thành sản phẩm tốt hơn, sức cạnh tranh tốt hơn, còn những doanh nghiệp thực hiện đúng luật thì chi phí bị tăng cao và giảm tính cạnh tranh.” Bà Đặng Phương Dung nói.

Trích 2% trên cơ sở nào?

Mặc dù hầu hết các ý kiến trong hội thảo đều đồng tình với việc cần quy định rõ việc tất cả các doanh nghiệp phải đóng công đoàn phí, không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và các doanh nghiệp FDI nhưng về mức đóng công đoàn phí vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Theo một số đại biểu, mức đóng công đoàn phí là 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là thấp và không đủ đảm bảo chi trả cho các hoạt động của công đoàn. Mức 2% mà doanh nghiệp đóng phải tính trên tiền lương thực trả.

Theo ông Nguyễn Thu Bồn, nên trích công đoàn phí bằng 2% nguồn lương thực trả vì trích từ bảo hiểm xã hội không thực chất vấn đề, mức đóng công đoàn phí rất thấp, không đủ để hoạt động.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Thu Bồn, hiện nay đồng tiền trượt giá, trước đấy trích thưởng 100.000 đồng cho công đoàn viên đã có giá trị, nhưng bây giờ thưởng 500.000 đồng chỉ bằng 100.000 đồng ngày xưa, nên trích bằng nguồn lương thực trả mới đủ chi trả cho các hoạt động công đoàn.

Không đồng tình với quan điểm nên trích 2% quỹ tiền lương thực trả thay vì quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội làm công đoàn phí, bà  Đặng Phương Dung cho rằng các doanh nghiệp phải tranh thủ quỹ lương để thực hiện các chính sách chăm lo cho đời sống người lao động, trả tiền bảo hiểm thất nghiệp… Mặt khác, việc đóng góp thêm bảo hiểm, việc tăng lương tối thiểu… đang trở thành gánh nặng của doanh nghiệp, nếu trích công đoàn phí theo tiền lương thực trả sẽ tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Phát biểu xung quanh mức đóng phí công đoàn, theo ông Nguyễn Tùng Vân, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, đối với những doanh nghiệp mà lương thực trạng cao thì việc trích 2% sẽ là một khoản tiền kha lớn. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp mà lương thấp thì việc trích 2% theo bảo hiểm xã hội sẽ gây khó khăn trong hoạt động công đoàn.

Luật hóa việc trích nộp kinh phí công đoàn là cần thiết, tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân. Dự kiến, quy định về việc trích 2% quỹ tiền lương thực trả hoặc 2% quỹ lương căn cứ đóng bảo hiểm xã hội sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định và thông qua vào tháng 5 tới./.
Ngày 1/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 133/2008/QĐ-TTg, Quy định việc trích nộp kinh phí công đoàn bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công phải trả cho người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy, doanh nghiệp trong nước phải trích nộp kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương, còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trích nộp kinh phí công đoàn bằng 1% quỹ lương. Quyết định số 133 tạo ra sự không bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các doanh nghiệp.

Vì vậy, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã đề nghị quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp phải đóng phí công đoàn và quy định cụ thể mức đóng phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi)./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục