Xuất khẩu giảm: Xu hướng trái quy luật

Tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia đã hiện hữu lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam khi mà số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giảm liên tiếp từ tháng 9 đến nay.

Tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia đã hiện hữu lên hoạt động xuất khẩu của Việt Nam khi mà số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giảm liên tiếp từ tháng 9 đến nay.

Xu hướng giảm này đi ngược quy luật nhiều năm nay là hoạt động xuất khẩu thường nhộn nhịp và giá trị xuất khẩu tăng cao vào dịp cuối năm.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng Cục Thống kê, với 4,8 tỷ USD, giá trị xuất khẩu tháng 11 đã ở mức thấp nhất trong vòng 8 tháng qua.

Việc kinh tế nhiều nước suy thoái và người dân ở đó thắt chặt chi tiêu đã thu hẹp thị trường và tác động bất lợi đến giá xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam. Hầu hết các sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều giảm giá rõ rệt trong những tháng gần đây, đặc biệt là giá dầu thô, giá gạo, giá cà phê và cao su.

Tính riêng tháng 11, kim ngạch xuất khẩu dầu thô đã giảm xuống còn 505 triệu USD so với 669 triệu USD của tháng trước; hay gạo và hàng thủy sản đều giảm hàng chục triệu USD.

Thêm vào đó, các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu như dệt may, giày dép, cá da trơn còn phải chịu những tác động kép từ các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, cơ chế giám sát từ những thị trường lớn như Mỹ, EU.

Về nguyên nhân chủ quan phải kể đến những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu trong việc tiếp cận nguồn vốn do chính sách thắt chặt tiền tệ và tình trạng khan hiếm VND những tháng đầu năm.

Bên cạnh đó là những hạn chế kéo dài chưa thể khắc phục của hàng xuất khẩu Việt Nam là thiếu sức cạnh tranh, đặc biệt với hàng ASEAN và Trung Quốc, một tỷ lệ không nhỏ vẫn là hàng thô và hàng gia công nên giá trị thấp.

Hơn nữa, nhiều chuyên gia cũng cho rằng các mặt hàng xuất khẩu quan trọng như gạo, cà phê, than, dầu thô gần như đã ở ngưỡng khai thác tối đa, khó có thể đóng góp nhiều hơn để tạo sự biến đổi lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cùng với tình trạng xuất khẩu giảm sút, còn có nỗi lo nhập siêu. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, việc xuất khẩu gia tăng đã không thể bù đắp được nhập khẩu và khoảng cách giữa nhập khẩu - xuất khẩu vẫn ngày càng lớn hơn. Nếu cả năm 2007, cả nước nhập siêu hơn 14 tỷ USD, thì chỉ trong 11 tháng đầu năm nay con số này đã lên tới xấp xỉ 17 tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng việc cạnh tranh bằng giá mà không chú trọng nhiều đến chất lượng và an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm đã trở nên lỗi thời khi mà các hàng rào kỹ thuật đang được sử dụng triệt để tại các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản. Bởi vậy, “sẽ là vô vọng nếu chỉ coi giá rẻ là yếu tố then chốt trong cạnh tranh quốc tế”, ông Thành nhấn mạnh.

Trước những diễn biến bất lợi này, tuy vẫn dự báo kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ vượt chỉ tiêu với khoảng 63 tỷ USD, nhưng Bộ Công Thương cũng tỏ ra lo ngại về tình hình năm 2009. Chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 cũng đã được Quốc hội điều chỉnh xuống 13% trên cơ sở đề xuất của Chính phủ là 18%.

Nhằm cải thiện tình hình, Bộ Công Thương đã đề nghị các ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng và đảm bảo cung ứng đủ vốn cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu để sản xuất, xuất khẩu; bên cạnh việc tiếp tục đề nghị Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất VND, giải pháp hữu hiệu để kích cầu và thúc đẩy sản xuất.

Bộ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp đa dạng hoá các thị trường, giảm sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Các cơ quan chức năng, hiệp hội ngành hàng được lưu ý phát huy vai trò liên kết, chủ động phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tăng trưởng xuất khẩu.

Bên cạnh các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, việc tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, sử dụng hàng rào kỹ thuật, bổ sung danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan cũng sẽ được tăng cường để tiếp tục hạn chế nhập siêu./.

(Hồng Hạnh/Vietnam+)


 

Tin cùng chuyên mục