"Sai phạm, tiêu cực là khá phổ biến trong đất đai"

Tình trạng khiếu kiện, thạm nhũng trong lĩnh vực đất đai diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây, vấn đề này đang là mối quan tâm của nhiều người dân và đại biểu Quốc hội. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ với báo giới xung quanh vấn đề này. Theo Bộ trưởng, về luật pháp, nhiều nội dung quy định chưa chặt chẽ, bị phân cấp về mặt thẩm quyền hay việc giám sát thực thi công vụ của một cán bộ cũng có vấn đề.
Tình trạng khiếu kiện, thạm nhũng trong lĩnh vực đất đai diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây, vấn đề này đang là mối quan tâm của nhiều người dân và đại biểu Quốc hội. Bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chia sẻ với báo giới xung quanh vấn đề này.
 
- Một số đại biểu cho rằng, đất đai là tài nguyên quan trọng nhất nhưng cũng là lĩnh vực phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhiều nhất hiện nay. Bộ trưởng đánh giá thế nào về nhận định này?


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Vấn đề này đã có nhiều ý kiến, chuyên gia nói chứ không chỉ một đại biểu nêu. Đúng là hiện nay, chúng tôi là những người trong ngành cũng cảm thấy hết sức đau xót khi nhìn thực trạng khiếu kiện và tham nhũng, tiêu cực nóng bỏng trong lĩnh vực này. Phải nói sai phạm, tiêu cực là khá phổ biến.

Việc đó do nhiều vấn đề. Trước đây, thời kỳ bao cấp, có thể nói không mấy người quan tâm nhiều đến đất đai. Nhưng sang đến thời cơ chế thị trường hiện nay, đất đai trở nên có giá nên bỗng chốc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Về luật pháp, nhiều nội dung quy định chưa chặt chẽ, bị phân cấp về mặt thẩm quyền hay việc giám sát thực thi công vụ của một cán bộ cũng có vấn đề.

- Theo Bộ trưởng thì kẽ hở nào dẫn tới hiện tượng tham nhũng phổ biến, phức tạp trong lĩnh vực đất đai hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng liên quan chủ yếu đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ví dụ chuyển từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo ra kẽ hở. Thay đổi quy hoạch sử dụng đất, chuyện cấp đất cho các dự án… cũng là những phần việc dễ bị lợi dụng. Nhiều dự án mang danh dự án phát triển đô thị nhưng thực ra dự án đô thị đó lại liên quan đến mục đích kinh doanh…

Tôi cho rằng tới đây phải sửa quy định liên quan đến những việc này. Trước đây chúng ta cấp cho các doanh nghiệp tư nhân những diện tích đất đai lớn quá mà họ không có tiềm lực thực hiện, dẫn đến bỏ hoang hóa rất nhiều.

- Hiện diện tích hàng chục nghìn ha đất đang để hoang hóa do chuyển đổi sai mục đích, cấp sai đối tượng ở những dự án treo vô thời hạn là rất lãng phí. Bộ có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Vấn đề này là “chuyện đã rồi”. Giờ các cấp phải có trách nhiệm triển khai xử lý, không có cách nào khác. Giờ thực tế có rất nhiều doanh nghiệp nhận đất rồi để đấy, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bộ đã giao cho các địa phương kiểm tra sau đó sẽ có tổng hợp và báo cáo lên Thủ tướng cùng với hướng đề xuất xử lý vấn đề này. Đất đã hết thời hạn triển khai dự án rồi mà không sử dụng thì phải thu hồi.

- Như Bộ trưởng nói, việc giao đất cho doanh nghiệp thời gian qua quá dễ dàng. Theo Bộ trưởng giờ sẽ phải siết lại bằng cách nào?


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Hướng điều chỉnh sau này, theo tôi là giao đất phải trên cơ sở xác định phạm vi đất và đấu giá. Các doanh nghiệp chỉ là những nhà đầu tư thứ cấp thôi, sẽ không có chuyện giao đất trắng nữa. Tinh thần xử lý là như vậy.

- Để xảy ra tình trạng phức tạp khó gỡ này, trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực này, trách nhiệm đến đâu thưa Bộ trưởng?


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ yếu chỉ làm về thể chế, còn cụ thể việc quản lý địa phương làm là chính. Thẩm quyền giao đất, các thủ tục cũng đều là làm ở địa phương. Nói vậy không có nghĩa trách nhiệm của Bộ không có nhưng rõ ràng cũng phải hết sức quan tâm khi đánh giá.

Cuộc họp nào ở Bộ tôi cũng nhấn mạnh yêu cầu cán bộ trong ngành phải hết sức chú ý, làm việc với chức trách của người cán bộ công chức, không thể lợi dụng công vụ để làm giàu trên nguồn tài nguyên đất nước.

- Thực tế thời gian qua khiếu kiện về đất đai chiếm đa số và rất phức tạp. Bộ trưởng có kiến nghị gì để giải quyết tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Giải quyết về giá là vấn đề cơ bản và cần nghiên cứu kỹ hơn. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị, cùng với tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa 9 về "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Vừa rồi Chính phủ có trình Trung ương nhưng hiện nay đang có khung giá, bảng giá cụ thể, còn nếu nói về giá thị trường thì cũng không hề đơn giản. Thời gian qua vấn đề đất đai ở đô thị nóng ghê gớm.

Luật chắc chắn phải sửa nhưng về giá thì còn liên quan đến quy định phân cấp thế nào, Nhà nước có tiếp tục nắm khung giá hay không.

Hiện có kiến Nhà nước vẫn giữ khung giá nhưng tăng dày điểm. Hiện tại chỉ có 3 vùng: Đồng bằng, trung du, miền núi nên tính đại diện thấp, không thực sự phù hợp. Chúng ta có 63 tỉnh, thành, nếu tăng dày điểm thì tính chính xác cao hơn, tất nhiên dựa trên những điểm giống nhau của một số tỉnh, thành.

- Ngoài khung giá thì theo Bộ trưởng, bất cập lớn nhất trong thu hồi, đền bù đất thời gian qua là gì?


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Vẫn là vấn đề giá. Hiện tại chúng ta có hai hình thức thu hồi. Đó là Nhà nước thu hồi với mục đích cho quốc phòng an ninh, chương trình công cộng, dự án phát triển kinh tế lớn… và do thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, hình thức thỏa thuận đang tạo ra chênh lệch về giá, người dân thắc mắc nhiều về chuyện này. Nhưng theo tôi không thể khác được, Nhà nước không thể đứng ra thu hồi tất cả cho các dự án.

- Thưa Bộ trưởng, những dự án thương mại mà đền bù quá thấp là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều khiếu kiện?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Vấn đề này phải tiếp tục nghiên cứu.

- Về ý kiến xây dựng cơ quan định giá độc lập, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang:
Theo tôi phải có cơ quan định giá độc lập. Ngoài ra, chỉ nên phân công một bộ chịu trách nhiệm về vấn đề này, và thuộc Bộ Tài chính thì hợp lý hơn.

Còn về ý kiến đề nghị xây dựng luật riêng về đền bù, thu hồi tái định cư, theo tôi không cần thiết, vấn đề là nội dung quy định như thế nào.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục