Thế giới "hậu Lehman"

Kinh tế thế giới ba năm sau vụ Lehman Brothers

Ba năm sau vụ Lehman Brothers sụp đổ, "sóng thần" tài chính vẫn nổi lên, kinh tế Mỹ chưa phục hồi và châu Âu đối mặt khủng hoảng nợ.
Sau ba năm kể từ thời điểm Tập đoàn Lehman Brothers Holdings Inc. sụp đổ hồi tháng 9/2008, từ Washington tới Bắc Kinh và London đã nỗ lực bơm hơn 3.000 tỷ USD vào hệ thống tài chính để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, những nguyên nhân gây ra cơn bão tài chính vừa qua vẫn chưa được giải quyết trong khi "cơn sóng thần" tài chính mới lại nổi lên đe dọa nhấn chìm thế giới một lần nữa.

Từ “lạc quan” đang dần biến mất khỏi vốn từ vựng của các nhà kinh tế và đầu tư khi mà kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi, châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ, kinh tế Nhật Bản chưa thoát khỏi nạn suy thoái còn kinh tế Trung Quốc có thể bị vỡ bóng đầu tư trong một vài năm tới.

Tình hình kinh tế thế giới hiện nay quá phức tạp khiến các nước lớn khó thống nhất hành động để chống đỡ một cuộc suy thoái mới.

Mối dây liên kết toàn cầu

Các báo cáo cho hay các sự kiện kinh tế gần đây ngày càng lộ rõ sự phục hồi kinh tế rời rạc trên toàn thế giới. Các nền kinh tế Âu-Mỹ-Nhật, từng được coi là ba đầu máy tiêu thụ cho các nền kinh tế khác thông qua xuất khẩu, hiện bị trì trệ khiến sức tiêu thụ và lượng hàng nhập khẩu giảm làm ảnh hưởng đến các nền kinh tế mới nổi.

Nước Mỹ đang bị chìm sâu trong cuộc khủng hoảng việc làm, khiến nhiều nhà kinh tế lo sợ kế hoạch kích thích kinh tế trị giá gần 450 tỷ USD của Tổng thống Barack Obama và kế hoạch Operation Twist của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ không giúp giảm đáng kể tỷ lệ thất nghiệp, hiện ở mức trên 9%.

Tại châu Âu, tình hình tài chính đang đi xuống rất nhanh, với việc Italy lại một lần nữa đứng gần trên cùng trong danh sách các thị trường đang gặp khó khăn, còn Hy Lạp đứng trên bờ vực vỡ nợ.

Căn cứ vào các chỉ số đã được điều chỉnh do lạm phát, tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2011 của Nhật Bản đã giảm 2,1% so với con số 1,3% theo thông báo trước đó. Báo cáo của Nội các Nhật Bản cho biết kinh tế nước này tiếp tục rơi vào suy thoái quý thứ ba liên tiếp do ảnh hưởng của thảm họa động đất-sóng thần hồi tháng Ba, khiến hai chỉ số quan trọng là xuất khẩu và tiêu dùng sụt giảm.

Mặc dù chia sẻ mục tiêu là ngăn chặn một cuộc suy thoái như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008-2009, song các nước lớn vẫn bất đồng sâu sắc về cách thức hành động. Mỹ muốn duy trì các biện pháp kích thích kinh tế, trong khi các nước châu Âu quyết tâm bám vào cải cách và các biện pháp "thắt lưng buộc bụng."

Hầu hết các quốc gia từng sử dụng các gói kích thích để đối phó với những hiệu ứng của suy thoái mới đây, hiện đang chú trọng cắt giảm thâm hụt ngân sách. Năm 2008, khi thấy nguy cơ suy trầm, các nền kinh tế mới nổi bèn ứng phó bằng cách gia tăng đầu tư, tăng chi hoặc bơm tín dụng để kích thích sản xuất và tiêu thụ.

Việc nâng mức đầu tư ngay trong hiện tại là để gia tăng khả năng tiêu thụ sau vài ba năm và Trung Quốc là một trường hợp điển hình. Trung Quốc ào ạt bơm tiền đầu tư để kích thích sản xuất, dẫn đến việc các chính quyền từ trung ương đến địa phương đều mắc nợ trong khi sức tiêu thụ của thị trường nội địa vẫn không tăng.

Sau giai đoạn suy thoái vào các năm 2008-2009, người ta nói đến một thế giới phát triển theo hai tốc độ: Tốc độ rất chậm của các nước công nghiệp hóa và tốc độ cao hơn của các nước đang phát triển, dẫn đầu là các nước mới nổi.

Người ta cũng đề cập đến hiện tượng gọi là “tách rời” của các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc, Đông Á, Ấn Độ hay Brazil khiến các nước này vẫn phát triển rất mạnh dù cho các đầu máy kinh tế Âu-Mỹ-Nhật có thể bị đình trệ.

Nhưng tình hình hiện nay dường như lại không như vậy. Những lao đao chật vật của các nước công nghiệp hóa như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, vẫn có thể ảnh hưởng đến các nước mới nổi châu Á và thậm chí còn kéo nền kinh tế toàn cầu vào một nạn suy thoái kép. Nếu các quốc gia châu Á không có khả năng để thúc đẩy xuất khẩu, thu nhập của họ sẽ giảm và các công ty của họ có thể không tạo ra thêm lợi nhuận.

Trên thực tế, khi lợi nhuận giảm có thể dẫn tới việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của công ty bị ảnh hưởng tiêu cực do sự sụt giảm xuất khẩu. Các điều kiện tín dụng hoặc các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn có thể buộc các nhà đầu tư di chuyển ra khỏi thị trường này.

Nếu hàng xuất khẩu của châu Á sụt giảm thì nhu cầu về đồng tiền châu Á sẽ suy giảm và điều này sẽ gây ra sự mất giá của đồng tiền châu Á, mà sẽ có nghĩa là các nhà quản lý đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ không bị hấp dẫn bởi triển vọng của một đồng tiền địa phương được đánh giá cao.

Quả thật nền kinh tế thế giới đang ở trong thế liên kết và hiện tượng toàn cầu hóa về tư bản và tài chính bắt đầu từ hai chục năm trước đã ràng buộc số phận của tất cả các nước với nhau.

Những rủi ro tài chính

Đã ba năm sau cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát nhưng những rủi ro mang tính hệ thống tới ngành ngân hàng toàn cầu vẫn còn hiện hữu. Trong báo cáo "ổn định tài chính toàn cầu,” IMF đã cảnh báo ngành ngân hàng rằng lòng tin của các nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn hồi phục và ngành này sẽ phải đối mặt với khoản nợ trị giá khoảng 3.600 tỷ USD trong hai năm tới.

Thực tế cho thấy thế giới đã không thể giải quyết tận gốc nguyên nhân khởi phát của cuộc khủng hoảng tài chính nên mới áp dụng “mũi tiêm chủng” tăng cường quá mức “chính sách tiền tệ.”

Hơn nữa, có rất nhiều nhân tố nội tại của cuộc khủng hoàng tài chính lần trước vẫn chưa được được giải quyết cơ bản. Nếu cứ như vậy, thế giới sẽ hình thành một bức tranh đặc biệt với bong bóng thị trường vốn sẽ phình to hơn, tiền giấy tràn lan và “bong bóng nợ mới cứu bong bóng nợ cũ.”

Chính những gói kích thích khổng lồ đã tạo ra sự phồn vinh giả tạo của kinh tế thế giới dẫn đến lạm phát.

Trong năm qua, giá lương thực tăng 36% và giá khí đốt tăng 60%. Tính từ đầu tháng Tám tới thời điểm trung tuần tháng Chín, giá vàng đã tăng khoảng 18% và tăng tới 35% nếu tính từ đầu năm 2011.

Cuộc đua "tìm kiếm" vàng như nguồn dự trữ tiền tệ an toàn nhất trên thế giới sẽ vẫn quyết liệt và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Giá năng lượng và lương thực tăng làm giảm đáng kể các khoản thu nhập thực tế của tầng lớp lao động trên thế giới. Sự quấy rối của bong bóng bất động sản và lạm phát xấu gây ra tình trạng bất ổn xã hội kéo dài và lo lắng đã trở thành đặc điểm chung của mọi giai tầng xã hội. Điều này sẽ dẫn đến trào lưu “chính sách thắt chặt tiền tệ” của ngân hàng các nước.

Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu tiến hành thắt chặt khẩn cấp vào hồi năm ngoái, Australia cũng đã bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất ngay từ đầu năm 2009.

Nếu giá cả tiếp tục leo thang cùng với các biện pháp chống lạm phát của các chính phủ thì mức tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại khoảng 0,7 điểm phần trăm năm 2011 và 1 điểm phần trăm năm 2012.

Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng GDP tính theo sức mua của kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức gần 5% năm 2010 xuống 3,6% năm 2011 và 3,4% năm 2012.

Kinh tế thế giới đang đứng trước mối hiểm nguy mới. Những chính sách sai lầm trong cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ 20 đã dẫn đến các cuộc chiến tranh thương mại và tiền tệ, tình trạng vỡ nợ, giảm phát, đói nghèo, bất ổn chính trị và xã hội, cuối cùng là sự nổi lên của các chế độ độc tài và cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Cách tốt nhất để tránh lặp lại kịch bản cũ là phải có những hành động chính sách toàn cầu táo bạo và tích cực.

Đã đến lúc chính phủ các nước cần nhận thức rõ và phối hợp hành động hiệu quả. Mang lại niềm tin và hy vọng cho các thị trường để rồi thị trường sẽ tự tìm lại những hướng đi thích hợp./.

Tố Uyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục