Nâng cao vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ sẽ quan tâm đầu tư để nâng cao vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm.
Ngày 7/4, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2006-2010 và định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015.”

Đại diện các Bộ, ban ngành, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và lãnh đạo 24 tỉnh, thành phố thuộc các vùng kinh tế trọng điểm đã tham dự. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo điều phối các vùng kinh tế trọng điểm Quốc gia chủ trì hội nghị.

Hội nghị dành nhiều thời gian để đại biểu tập trung đánh giá tác động của vùng kinh tế trọng điểm với sự phát triển chung, những nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại; công tác chỉ đạo, điều phối; về vai trò của sự liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó chú trọng bổ sung đề xuất định hướng, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho phát triển, nhất là cần có quy định cụ thể để đảm bảo nguồn lực thực hiện các quyết định đặc biệt trong đầu tư phát triển (hiện mới đáp ứng khoảng 30%); cần có “nhạc trưởng” chỉ đạo trong mỗi vùng kinh tế trọng điểm làm cầu nối gắn kết, phối hợp giữa các địa phương trong vùng và các Bộ, ngành Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương những nỗ lực và kết quả mà các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đã đạt được trong hoạt động điều phối, phối hợp chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội ở 4 vùng kinh tế trọng điểm thời gian qua.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, trong quá trình phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm nhìn chung vẫn chưa có những sản phẩm mang tính đột phá, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Hiệu quả đầu tư còn thấp. Chất lượng quy hoạch, công tác quản lý và thực hiện quy hoạch còn nhiều yếu kém. Trong công tác điều phối, các bộ, ngành địa phương tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn lúng túng, hiệu quả chưa cao…

Trong giai đoạn 2011-2015, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và các địa phương quan tâm rà soát, điều chỉnh quy hoạch và chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho phù hợp với quy hoạch phát triển các vùng kinh tế trọng điểm sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Song song đó, Chính phủ sẽ quan tâm xây dựng, ban hành các cơ chế đặc thù ưu đãi cho các vùng kinh tế trọng điểm; tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để các vùng kinh tế trọng điểm làm tốt hơn vai trò đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước đã phân chia 4 vùng kinh tế trọng điểm gồm: vùng Bắc bộ, Miền Trung, Phía Nam và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, chiếm 27,42% diện tích và 51,27% dân số cả nước. Đây là các vùng phát triển năng động với cơ cấu kinh tế hiện đại, thực hiện vai trò đầu tàu, đầu mối giao lưu tiên phong trong hội nhập quốc tế, kéo sự phát triển chung của cả nước nhằm tiếp tục phát huy cao nhất các nguồn lực và lợi thế mỗi vùng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Với chức năng và nhiệm vụ như thế, trong bối cảnh nền kinh tế trong giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, thách thức, Hội nghị thống nhất đề ra các mục tiêu, định hướng tổng quát phát triển 4 vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2012-2015 của cả nước là: tiếp tục đảm nhận vai trò đầu tàu tăng trưởng nhanh, tận dụng tối đa năng lực hiện có về kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ, lao động kỹ thuật… để có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả nước; hỗ trợ các địa phương quanh vùng cùng phát triển, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Mục tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2012-2015 đạt bình quân 9-10%, gấp 1,3-1,4 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân cung của cả nước. Trong đó vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ tăng 9-10%, vùng Phía Nam tăng 8-9%, Miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 10-11%.... Để đạt được mục tiêu đề ra cần tăng cường sự chỉ đạo, điều phối, phối hợp của các Bộ, ngành và các địa phương trong công tác quy hoạch; huy động vốn đầu tư và thực hiện các dự án mang tính đột phá, các ngành công nghiệp then chốt, các dự án công trình hạ tầng đầu mối có tính thúc đẩy liên kết vùng kinh tế trọng điểm…

Hội nghị thống nhất nhận định: Giai đoạn 2006-2011, các vùng kinh tế trọng điểm cuả cả nước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng nhanh và cao có ý nghĩa tạo động lực cho phát triển chung của cả nước. Tổng hợp báo cáo từ các địa phương, giai đoạn này các vùng kinh tế trọng điểm đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10,98%; thu nhập cao gấp 3,6 lần bình quân chung của cả nước. Tổng thu ngân sách chiếm từ 86-88% tổng thu cả nước; giá trị xuất khẩu chiếm gần 90%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực cho sự phát triển chung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2.684 nghìn tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và mạng lưới kết cấu hạ tầng liên vùng được tăng cường đầu tư cả về số lượng và chất lượng, nâng cao năng lực, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển, hợp tác.

Hiện nay, nhiều trục giao thông đường bộ huyết mạch có tính liên vùng đã được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp. Nhiều sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ và nhiều cảng biển, cảng nước sâu trong các vùng kinh tế trọng điểm đã được xây dựng, nâng cấp...

Trong hoạt động điều phối, các bộ ngành hữu quan và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm đã chú trọng giải quyết các vấn đề liên vùng trong đó chú trọng về giao thông, cấp thoát nước, đào tạo nghề, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu …

Báo cáo của Ban điều phối chương trình và các bộ ngành cũng nhìn nhận quá trình phát triển kinh tế- xã hội của các vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn nhiều hạn chế như chưa tạo ra sự tăng tốc và khả năng độc lập cạnh tranh, chủ yếu vẫn dựa vào nhân tố phát triển theo chiều rộng, chất lượng và hiệu quả thấp; sức lan toả của các vùng kinh tế trọng điểm chưa cao. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cơ cấu lao động chuyển dịch khá nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chất lượng lao động thấp, tỷ lệ thất nghiệp còn cao. Kết cấu hạ tầng tuy có cải thiện đáng kể nhưng chưa đồng bộ, chưa hợp lý, đang trong tình trạng ngày càng quá tải, hạn chế sự gắn kết phát triển liên vùng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước và xử lý chất thải rắn đang là vấn đề “nóng” ở các vùng… /.

Trần Khánh Linh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục