Tăng cường hợp tác các nước hạ nguồn Mekong-Mỹ

Các bên cam kết cùng giải quyết các vấn đề của khu vực, xác định 4 lĩnh vực hợp tác trụ cột: môi trường, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng.
Ngày 22/7, Hội nghị Bộ trưởng các nước hạ nguồn Mekong-Mỹ lần thứ ba, đã được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44, tại Bali, Indonesia.

Hội nghị do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton chủ trì, cùng sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao bốn nước hạ nguồn Mekong gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Hội nghị đã thông qua Tài liệu khái niệm và Chương trình hành động 5 năm. Đây là hai tài liệu cơ bản cho việc chính thức hóa cơ chế hợp tác Hạ nguồn Mekong-Mỹ.

Theo đó, các bên cam kết cùng giải quyết các vấn đề của khu vực hạ nguồn Mekong, hướng tới hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực; xác định bốn lĩnh vực hợp tác trụ cột gồm môi trường, giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng.

Hội nghị thống nhất thiết lập cơ chế làm việc theo ba cấp độ, gồm bộ trưởng, quan chức cấp cao và chuyên gia.

Điểm lại các hoạt động theo cơ chế hợp tác Hạ nguồn Mekong-Mỹ kể từ khi thiết lập năm 2009, hội nghị ghi nhận những tiến bộ trong việc triển khai nhiều chương trình, đặc biệt là dự án đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho cán bộ chuyên trách của các nước thành viên làm việc trong bốn lĩnh vực hợp tác trụ cột; chương trình “Dự báo Mekong” nhằm lắp đặt các trạm quan trắc ở khu vực Mekong phục vụ việc thu thập dữ liệu và nghiên cứu về môi trường và biến đổi khí hậu.

Hội nghị ủng hộ sáng kiến "Liên minh toàn cầu về bếp sạch” nhằm thúc đẩy việc phổ biến, khuyến khích sử dụng các bếp giảm thải khí độc, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong khu vực, đặc biệt là của phụ nữ và trẻ em.

Hội nghị cũng nhất trí với sáng kiến của Mỹ mời các đối tác phát triển bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) tham gia theo cơ chế hợp tác "Hạ nguồn Mekong và những người bạn" (FLM).

Cơ chế này nhằm tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các khuôn khổ hợp tác sẵn có trong khu vực Mekong, tránh sự trùng lặp các chương trình và huy động tốt hơn các nguồn lực phục vụ phát trển bền vững.

Ngay sau Hội nghị Bộ trưởng Hạ nguồn Mekong-Mỹ đã diễn ra hội nghị bộ trưởng FLM.

Bên cạnh sự tham gia của các đối tác phát triển trên, Myanmar cũng được mời tham dự với tư cách quan sát.

Bộ trưởng các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, đại diện Liên minh châu Âu (EU), ADB và WB đã thông báo về các hoạt động hợp tác phát triển của các nước và tổ chức này tại khu vực Mekong, cam kết tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ dành cho khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục