Những người giàu nghị lực sống, vượt lên số phận

Dù cơ thể không lành lặn, sức khỏe yếu nhưng các nạn nhân da cam vẫn đang từng ngày nỗ lực vượt lên số phận, trở thành người có ích xã hội.
Là một trong những địa phương đi đầu về chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Thái Bình hiện có trên 34.000 nạn nhận chất độc da cam/dioxin, trong đó khoảng 9.000 người thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba.

Dù cơ thể không lành lặn, sức khỏe yếu nhưng họ đang từng ngày nỗ lực vượt lên số phận, trở thành người có ích cho xã hội.

“Tôi thường tự nhủ, mình may mắn hơn những nạn nhân khác đang sống thực vật, không có khả năng tư duy, thậm chí nhiều người phải đối mặt với cái chết từng ngày, từng giờ,” anh Nguyễn Văn Mác, Giám đốc xưởng sản xuất giấy vệ sinh Mai Mác tại xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, nói khi giới thiệu về cơ ngơi hàng tỷ đồng với 14 nhân công làm việc thường xuyên của mình.

Di chứng da cam mà cha anh bị nhiễm ở chiến trường miền Nam đã khiến Mác không thể đi lại như người bình thường. Không đầu hàng số phận, anh quyết làm ăn để khẳng định bản thân và tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. Công việc ở xưởng đem lại cho họ thu nhập trung bình hơn 2 triệu đồng một tháng.  

Nguyễn Văn Mác tham gia Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh Thái Bình, mà phần đông là nạn nhân da cam thuộc thế hệ thứ hai. Gần 300 hội viên như được tiếp thêm sức mạnh và ý chí của Chủ nhiệm Phạm Thị Thái Hồng, một người phụ nữ bé nhỏ, nhưng đầy nghị lực và khao khát khẳng định bản thân.

Sinh ra với đôi chân dị tật, Thái Hồng cần cù lao động từ nhỏ, tích góp vốn cùng bạn bè mở tiệm vàng bạc trang sức khi mới 25 tuổi. Thuở khởi nghiệp với bao bỡ ngỡ và thiếu thốn từ mối hàng đến kinh nghiệm, niềm tin vào ngày mai tươi sáng đã giúp chị cố gắng đứng vững để đi lên. Đến nay, ở tuổi 33, chị đã mở tiệm trang sức của riêng mình ở thành phố Thái Bình với doanh thu 70-80 triệu đồng/tháng.

Chính từ Câu lạc bộ đã dấy lên phong trào thi đua phát triển kinh tế trong các thanh niên khuyết tật tại Thái Bình. Bằng nhiều hình thức làm ăn, nhiều ngành nghề khác nhau, hàng chục người trong số họ đã vươn lên thoát nghèo và trở nên khá giả.

Chị Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1978), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ là một thợ may giỏi. Ngoài thiết kế và may quần áo thời trang, chị còn là một cô giáo rất có duyên dạy nghề cho thanh niên. Đến nay, cơ sở của chị đã đào tạo được hơn 100 học viên, trong số đó có nhiều người khuyết tật, người bị nhiễm chất độc da cam. Những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật được chị truyền nghề miễn phí và giới thiệu việc làm khi thạo việc.

Đến nay, câu lạc bộ đã hoàn thành ba dự án, “Trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản cho thanh niên khuyết tật tỉnh Thái Bình,” “Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng,” “Hỗ trợ người khuyết tật nghèo và người nghi nhiễm dioxin.” Đây là những dự án lớn, có sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Aifo của Italy và Quỹ cựu chiến binh Mỹ.

Để các nạn nhân da cam/dioxin vươn lên trong cuộc sống, bên cạnh việc vận động tài trợ, tỉnh Thái Bình còn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và nhân rộng những mô hình làm ăn có hiệu quả cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng gia đình.  

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết nâng cao điều kiện kinh tế và đời sống vật chất cho các nạn nhân luôn là điều trăn trở và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp.

Từ năm 2004 đến nay, Hội đã vận động được gần 27 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước, giúp hơn 300 hộ gia đình vay vốn làm ăn sản xuất. Ngoài ra, hội còn trợ cấp lợn giống, bò giống cho hơn 100 hộ gia đình, xây dựng hơn 300 ngôi nhà và tặng 400 chiếc xe lăn cho các nạn nhân da cam/đioxin.

Sức sống đang bừng lên, thắp sáng những mảnh đời bất hạnh. “Mình không phấn đấu để thành công mà đơn giản chỉ nỗ lực trở thành người có ích cho xã hội,” anh Mác tâm sự. Đôi mắt sáng và nụ cười nhân hậu của người đàn ông tứ tuần ánh lên niềm yêu đời thiết tha./.

Kỳ trước: Vì nạn nhân da cam, cuộc chiến không đơn độc
Kỳ sau: Tẩy độc – Niềm hi vọng cho nạn nhân dioxin

Vũ Lộc (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục