Căng thẳng tiếp diễn giữa Sudan và Nam Sudan

Sudan và Nam Sudan tiếp tục cáo buộc nhau sử dụng máy bay, pháo hạng nặng và xe tăng để mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau.
Quân đội Sudan ngày 13/4 thông báo đã tiến đến khu vực ngoại vi Heglig, thị trấn chiến lược ở bang Nam Kordofan bị quân đội Nam Sudan chiếm giữ từ ngày 10/4.

Người phát ngôn lực lượng vũ trang Sudan (SAF), Khalid Saad cho biết, quân đội Nam Sudan đang bị đẩy lui và khó có thể thực hiện mưu đồ kiểm soát toàn bộ bang Nam Kordofan. Tình hình ở Heglig sẽ được giải quyết trong vài giờ tới.

Hai nước thường xuyên cáo buộc nhau sử dụng máy bay, pháo hạng nặng và xe tăng để mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau.

[Sudan-Nam Sudan nhất trí nối lại hội đàm cấp cao]

Sudan cáo buộc Nam Sudan tấn công và chiếm khu vực Heglig, nơi Sudan kiểm soát một mỏ dầu lớn có ý nghĩa sống còn đối với kinh tế nước này với sản lượng 115.000 thùng/ngày.

Trong khi Nam Sudan cáo buộc SAF tấn công thị trấn Teshwin và ném bom khu vực Abiemnom thuộc bang Unity, nằm sâu 40km trong lãnh thổ Nam Sudan.

Trước tình hình giao tranh diễn ra dữ dội giữa hai nước trong mấy ngày qua, Hội đồng an ninh và hòa bình Liên minh châu Phi (AUPSC) ngày 13/4 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và thất vọng về việc hai nước không tôn trọng thỏa thuận ký tại cuộc đàm phán giữa quan chức hai nước, do Liên minh châu Phi (AU) đóng vai trò trung gian hòa giải tổ chức ở Addis Ababa, thủ đô Ethiopia từ ngày 2-4/4.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cũng lo ngại về căng thẳng leo thang giữa hai nước và yêu cầu hai bên kiềm chế các hoạt động thù địch.

Theo tuyên bố của Hội đồng bảo an, hai nước phải chấm dứt ngay lập tức và vô điều kiện các cuộc giao tranh, đồng thời tổng thống hai nước phải nối lại các cuộc gặp cấp cao để giải quyết bất đồng.

Từ khi Nam Sudan tách khỏi Sudan và tuyên bố độc lập vào tháng 7/2011 đến nay, hai nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận về phân định biên giới, đặc biệt là tại những khu vực nhiều tài nguyên dầu mỏ.

Tại các bang ở biên giới như Kordofan, Blue Nile, Unity... thường xảy ra giao tranh giữa quân đội Sudan với các nhóm được Nam Sudan hậu thuẫn.

Hiện, sản lượng khai thác dầu thô tại các khu vực do chính quyền Nam Sudan quản lý lớn gấp ba lần sản lượng của Sudan, song Nam Sudan phải sử dụng các đường ống dẫn dầu và các cơ sở phụ trợ nằm trên lãnh thổ Sudan để xuất khẩu dầu và hai nước vẫn chưa thỏa thuận số tiền Nam Sudan phải thanh toán./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục