Chứng khoán lên, xuống đều cần được giám sát

Tại hội thảo khoa học "Chính sách và giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam”, tổ chức ngày 24/12, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền cho rằng Việt Nam đã quá "say sưa" với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán giai đoạn 2006-2007 mà không nhìn thấy một thực tế vốn kinh doanh chứng khoán bắt đầu có yếu tố "ảo".

Tại hội thảo khoa học "Chính sách và giải pháp phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam”, tổ chức ngày 24/12, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền cho rằng Việt Nam đã quá "say sưa" với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán giai đoạn 2006-2007 mà không nhìn thấy một thực tế vốn kinh doanh chứng khoán bắt đầu có yếu tố "ảo". 

Sự sụt giảm mạnh của chỉ số chứng khoán năm nay có phần của yếu tố "ảo" của thị trường chứng khoán 2 năm trước đó. Vì vậy thị trường chứng khoán lên nhanh hay xuống chậm đều phải có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước.

Theo bà Hiền, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán năm nay cho thấy sự cần thiết phải tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán nói riêng, công tác giám sát tài chính nói chung.

Giới nghiên cứu đã có lý khi tỏ ra nghi ngờ về tính hợp lý của việc sáp nhập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào Bộ Tài chính. Bằng chứng là sự chậm trễ của cơ quan này trong việc ban hành các giải pháp điều tiết thị trường trong những lúc "nước sôi, lửa bỏng."

Tiến sĩ Hiền nhấn mạnh tăng tính độc lập cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ khiến cơ quan này chủ động và có trách nhiệm hơn trong quản lý, điều tiết thị trường cũng như chỉ đạo hoạt động của các công ty chứng khoán.

Còn Tiến sĩ Ngô Văn Điểm với tham luận "Điều tiết Nhà nước đối với thị trường chứng khoán - Thực trạng và yêu cầu hoàn thiện trong thời gian tới" cho rằng thời gian tới Nhà nước cần nhanh chóng bổ sung, hoàn khung pháp lý của hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát kinh doanh chứng khoán, tập trung vào giám sát luồng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài, kiểm soát luồng tiền lưu thông qua quản lý ngoại hối, giám sát các tổ chức tín dụng liên quan đến thị trường chứng khoán  như các nghiệp vụ cầm cố, hoán đổi và các sản phẩm phát sinh.

Tiến sĩ Điểm cho biết các cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán phải tiến hành thường xuyên việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, loại bỏ, sửa đổi, bổ sung những thủ tục hành chính không còn phù hợp.

Việc phát triển cân đối các chức năng của thị trường chứng khoán, dành sự quan tâm đúng mức cho chức năng huy động vốn, không quá chú trọng cho chức năng lưu thông vốn qua việc di chuyển quyền sở hữu là yếu tố quan trọng để thực hiện trong thời gian tới.

Ngoài ra, các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng cần nâng cao tính công khai, minh bạch và chất lượng quản trị của công ty để bảo vệ quyền lợi và mang lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng, Viện khoa học tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước  trình bày tham luận nhằm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới như việc phối hợp chính sách tài chính, tiền tệ nhằm tạo môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi; giải pháp xử lý mối quan hệ giữa thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán  trong khuôn khổ bề vững thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tham luận về cam kết mở cửa thị trường tài chính Việt Nam và yêu cầu hoàn thiện, nâng cao năng lực giám sát tài chính vĩ mô; nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán cũng được trình bày tại hội thảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục