Chính phủ Hy Lạp bác bỏ khả năng sắp phá sản

Hy Lạp khẳng định hệ thống ngân hàng vẫn ổn định bất chấp các cơ quan đánh giá tín dụng liên tục hạ mức đánh giá đối với nước này.
Chính phủ Hy Lạp đã bác bỏ kịch bản cho rằng Athens sẽ rơi vào phá sản, khẳng định hệ thống ngân hàng vẫn ổn định bất chấp việc các cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế liên tục hạ mức đánh giá đối với nền kinh tế đang lâm nguy này.

Phát biểu tại cuộc họp nội các diễn ra ngày 14/7, Thủ tướng George Papandreou thừa nhận những ngày tới sẽ là những ngày hết sức khó khăn đối với Hy Lạp, song ông chỉ trích những cuộc thảo luận của phe đối lập và truyền thông quốc tế đề cập đến khả năng phá sản của nước thành viên Khu vực đồng euro này.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos một lần nữa khẳng định không có nguy cơ phá sản, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang hỗ trợ hoàn toàn hệ thống ngân hàng Hy Lạp và nước này chưa gặp khó khăn nhiều trong các giao dịch bằng tiền mặt.

Theo các nhà phân tích, kể từ khi rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công cuối năm 2009, Hy Lạp đã hai lần thoát khỏi nguy cơ phá sản - mùa Xuân năm ngoái và tháng 7 năm nay - thời điểm nước này nhận được giải ngân từ gói cứu trợ của các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với cam kết cải cách kinh tế thông qua các biện pháp thắt chặt chi tiêu.

Tuy nhiên, do chậm trễ trong việc thực thi kế hoạch "thắt lưng buộc bụng," nền kinh tế Hy Lạp vẫn tiếp tục trong tình trạng suy thoái, các đối tác trong Liên minh châu Âu vẫn chưa đạt được sự thống nhất về gói cứu trợ thứ hai dành cho nước này.

Trong khi đó, các cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế vẫn cảnh báo bất kỳ sự can dự nào của khu vực tư nhân đối với chương trình cải cách kinh tế cũng được xem như phản tác dụng, và kịch bản vỡ nợ vẫn có thể xảy ra.

Liên quan đến tình hình kinh tế các nước thành viên Khu vực đồng euro, Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar ngày 14/7 tuyên bố tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm 2,3% trong năm nay và 1,7% trong năm tới.

Nhu cầu tiêu dùng trong nước dự báo sẽ giảm tới 5,8% trong năm nay và 4,1% trong năm 2012. Đến năm 2013, kinh tế mới bắt đầu phục hồi nhờ hiệu quả của các biện pháp cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và đặc biệt gói cứu trợ chung trị giá 78 tỷ euro (110 tỷ USD) của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Hiện Cơ quan quản lý ngành ngân hàng châu Âu (EBA) đang tiến hành sát hạch 91 ngân hàng trong khu vực để có thể đánh giá khả năng đối phó của các ngân hàng này trước những cú sốc giả định như thị trường chứng khoán lao dốc, thị trường bất động sản sụt giảm, xếp hạng tín dụng bị đánh tụt hay một cuộc suy thoái trong hai năm.

Số ngân hàng không vượt qua được cuộc sát hạch có thể sẽ nhiều hơn con số 7 như trong cuộc sát hạch năm ngoái.

Trong tháng 9 tới, những ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ vốn cấp 1 ở mức 5% sẽ phải đưa ra được kế hoạch bít lỗ hổng vốn vào cuối năm.

Những ngân hàng này cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn và phải củng cố nền tảng vốn. Trong khi đó, những ngân hàng chỉ suýt soát đáp ứng yêu cầu vốn cũng sẽ phải tăng vốn. Cuộc sát hạch lần này đặc biệt tập trung vào các ngân hàng có tỷ lệ vốn cấp 1 ở mức 5-5,5%.

Cơ quan quản lý ngành ngân hàng châu Âu  hy vọng cuộc sát hạch năm nay sẽ đủ tin cậy để cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, vốn đang bị ảnh hưởng trước lo ngại khủng hoảng nợ ở Hy Lạp sẽ lan sang Italy và Tây Ban Nha.

Hội đồng các bộ trưởng tài chính châu Âu khẳng định các biện pháp hỗ trợ cần thiết sẽ được thực hiện sau khi có kết quả sát hạch. Hội đồng này cũng sẽ tiếp tục giám sát hoạt động của các ngân hàng cũng như việc thực thi những giải pháp sau khi kết quả sát hạch được công bố.

Tuy nhiên, các ngân hàng cảnh báo việc công khai chi tiết tình hình tài chính của các ngân hàng sẽ khiến giới đầu tư hoang mang, với lo ngại về những thiệt hại liên quan đến trái phiếu chính phủ của khu vực đồng euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục