Bài học của một người Anh Điêng "bán thời gian"

Cuốn tiểu thuyết là bài học sâu sắc về niềm hy vọng, câu chuyện về sự khác biệt trong cuộc đời những người có và không có hy vọng.
Những khắc họa chân thực nhưng đầy tình yêu về khu Anh Điêng (Indian), một vùng đất nghèo đói, luôn đầy rẫy những cái chết vô nghĩa nhưng có những con người chưa từng nguôi hy vọng được tác giả người Mỹ Sherman Alexie tái hiện sinh động trong cuốn sách “Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian.”

Cuốn sách đã được Công ty Cổ phần Văn hóa Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản.

Tác phẩm là bài học về niềm hy vọng, câu chuyện về sự khác biệt trong cuộc đời những người có và không có hy vọng.

Nhân vật chính và cũng là người kể lại toàn bộ câu chuyện là một cậu học trò 14 tuổi người Anh Điêng thiểu số. Công chúng có thể gọi nó là Junior theo cách của người Anh Điêng hay Arnold theo cách ở lớp học của người da trắng.

Từ thể chất tới tinh thần, cậu bé mang nhiều đặc điểm có thể bị quy vào diện lập dị với cả cộng đồng Anh Điêng lẫn người da trắng.

“Não của tôi đang chìm trong mỡ” thực ra là một cách cậu bé tự giới thiệu về chứng bệnh tràn dịch não của mình. Junior có đến 42 cái răng chứ không phải 32 cái như người bình thường. Về mặt tinh thần, cậu là người hiểu hơn ai hết chuyện: “Bộ máy suy nghĩ, hô hấp và sinh hoạt của tôi đều trở nên ì ạch và ngập úng.”

Bởi thế, cứ hai ngày một lần, trong cái cộng đồng Anh Điêng thiểu số, sẽ có một người dè bỉu cậu là đồ đần độn. Không chỉ có vậy, Junior còn là khách VIP của câu lạc bộ Mắt Thâm Của Tháng (vì thường xuyên bị các bạn trong lớp cho no đòn).

Xung đột chính trong cuốn tiểu thuyết xảy ra khi Junior quyết định rời khỏi khu Anh Điêng để tới học trong một ngôi trường toàn học sinh da trắng tại thị trấn Reardan, cách quê nhà hơn ba mươi cây số.

Bị gọi là kẻ phản bội, Junior mắc kẹt giữa hai thế giới: gia đình của cậu ở khu Anh Điêng và trường trung học toàn người da trắng. Khi ở trường, cậu là người “nửa Anh Điêng,” còn khi về quê nhà, cậu là người “nửa da trắng.” Như thể, việc làm người Anh Điêng là công việc của cậu, nhưng nó chỉ là một việc bán thời gian.

Đó cũng là nguồn cơn cho tiêu đề “Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian.” Junior luôn mang cảm giác mình không thuộc về nơi nào cả.

Tiếng cười hài hước với những tưởng tượng nhiều màu sắc đã đưa cậu vào một cuộc du canh du cư ở một nơi khác, không phải trong truyền thống Anh Điêng thiểu số, lại càng không phải trong thế giới văn minh ích kỷ, mà là một đời sống vui tươi, hồn nhiên và không còn ám ảnh bởi những ranh giới.

Chứa đựng nhiều tâm sự buồn, song "Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian" vẫn gửi đến độc giả nhiều thông điệp ý nghĩa với rất nhiều niềm vui trong từng trang sách. Cậu bé Junior tuy bé hạt tiêu nhưng hy vọng trong cậu thì khổng lồ như cái đầu dị thường của cậu vậy.

Cuốn sách dạy chúng ta biết giữ hy vọng ngay cả khi phải đối đầu với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Thái độ sống tích cực mà nhà văn đã hết lòng cổ vũ chính là cội nguồn của những thành công kỳ diệu trong cuộc đời mỗi người./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục