Ấn Độ-Pháp hợp tác dài hạn trong lĩnh vực vũ trụ

Pháp và Ấn Độ đã ký một số thoả thuận hợp tác như đường sắt, văn hóa... cũng như tuyên bố về hợp tác dài hạn trong lĩnh vực vũ trụ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Ấn Độ hai ngày của Tổng thống Francois Hollande, ngày 14/2, giới chức Pháp và Ấn Độ đã ký một số thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực đường sắt, trao đổi văn hóa, văn bản tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, cùng một tuyên bố về hợp tác dài hạn trong lĩnh vực vũ trụ.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng nước chủ nhà Manmohan Singh, Tổng thống Hollande thông báo về tiến triển tốt đẹp của các cuộc đàm phán về thỏa thuận quốc phòng, trong đó có hợp đồng máy bay chiến đấu phản lực trị giá 12 tỉ USD, với hy vọng New Delhi sẽ mua 126 máy bay chiến dấu Rafale của Pháp.

Hai bên cũng hoàn tất cuộc thương lượng về thỏa thuận tên lửa đất đối không tầm ngắn trị giá 6 tỷ USD sẽ do hãng chế tạo tên lửa MBDA của Pháp và hãng phát triển vũ khí DRDO của Ấn Độ cùng sản xuất.

Cùng ngày, tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại thương Pháp Nicole Bricq, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma cho biết hiệp định về thương mại và đầu tư trên cơ sở rộng rãi giữa Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) đã qua 15 vòng đàm phán. Các nhà thương lượng chủ chốt sẽ họp trong tháng 3 tới và hy vọng đây là vòng cuối cùng của tiến trình thương lượng.

Pháp và Ấn Độ dự kiến có thể hoàn tất tiến trình thương lượng vào tháng 4 năm nay với hy vọng đạt được hiệp định tự do thương mại lớn và cân bằng giữa Ấn Độ và EU.

Bộ trưởng Sharma nhấn mạnh sự cần thiết của tuyên bố về Quy chế đầy đủ dữ liệu (DAS) để EU thực hiện cam kết cung cấp các dữ liệu về thương mại cho Ấn Độ. Ấn Độ và EU (gồm 27 nước thành viên) đã tiến hành các cuộc đàm phán về thỏa thuận mở cửa thị trường từ năm 2007 để tăng cường thương mại giữa hai bên.

Bộ trưởng Sharma cho rằng những cơ hội đối với Pháp trong các khu công nghiệp chế tạo quốc gia của Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, hạ tầng và chế biến thực phẩm.

Ông Sharma nhấn mạnh Chính phủ Ấn Độ đã cho phép đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực bán lẻ đa thương hiệu lên tới 100% vốn đầu tư và đây là cơ hội để các thương hiệu xa xỉ của Pháp bắt đầu triển khai kế hoạch đầu tư vào Ấn Độ. Pháp là nước đầu tư và đối tác thương mại lớn thứ năm của Ấn Độ ở châu Âu.

Ấn Độ và EU (gồm 27 nước thành viên) đã tiến hành các cuộc đàm phán về thỏa thuận mở cửa thị trường từ năm 2007 để tăng cường thương mại giữa hai bên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục