Xã hội hóa là xu thế để viễn thông phát triển

Sáng 17/6, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Viễn thông.

Sáng 17/6, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 5 thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Viễn thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã có cuộc trao đổi xung quanh một số khía cạnh về quản lý thuê bao di động, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông là tất yếu, đồng thời nhấn mạnh rằng xã hội hóa là một xu thế để ngành viễn thông tiếp tục phát triển.

Phải chăng, tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông là tất yếu, thưa Bộ trưởng?

Đã nói đến cạnh tranh thì phải công bằng. Có ý kiến cho rằng, hiện tại có hơi nhiều doanh nghiệp viễn thông đối với quy mô dân số. Nhưng, bài học kinh nghiệm của các quốc gia thì khi mới mở ra thì thường là nhiều hơn, và quá trình cạnh tranh sẽ diễn ra theo quy luật.

Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới thì cần có những giải pháp gì để mở cửa thị trường viễn thông?

Mở cửa tốt nhất là đa thành phần kinh tế, xã hội hóa phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Nhưng hiện tại, chất lượng và giá cước của một số dịch vụ viễn thông có nơi, có lúc chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội?

Phải nói một câu đầy đủ thế này, chưa có một ngành nào mà trong khó khăn vẫn hạ giá. Mà hiện nay đang hạ giá 20% nữa. Ngành viễn thông năm 2008 có hai dấu ấn tuyệt vời. Đầu năm lạm phát, tăng giá thì ngành viễn thông giảm giá. Cuối năm, suy giảm kinh tế, nhưng ngành viễn thông vẫn phát triển. Vì trong lúc khó khăn, người ta lại liên lạc với nhau nhiều hơn để nắm bắt thông tin. Đó là lợi thế của ngành viễn thông, đó cũng là trách nhiệm của ngành viễn thông đối với đất nước.

Có thể nói đến giờ phút này, giá dịch vụ viễn thông của chúng ta vào loại thấp nhất khu vực và thế giới. Đó là thành công lớn của ngành và được người dân ghi nhận.

Muốn cạnh tranh hiệu quả thì phải hạ giá thành. Khi nào hạ giá thành thì khi đó mới bình dân, khi đó mới cạnh tranh lành mạnh. Anh nào có giá thành thấp nhất thì anh đó quản lý tốt nhất, anh đó giảm chi phí tốt nhất và phục vụ tốt nhất.

Xung quanh vấn đề hạ tầng viễn thông, hiện tại có 4 vấn đề phải lo. Một là quy hoạch. Hai là ngầm hóa. Ba là dùng chung. Bốn là xã hội hóa. Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung làm đồng bộ cả 4 vấn đề này.

Khi phát triển theo nguyên tắc chuyên môn hóa, chuyên môn hóa càng sâu bao nhiêu thì tính liên danh liên kết và tính sử dụng chung càng cao bấy nhiêu.

Bộ trưởng có thể cho biết vấn đề quản lý thuê bao di động nói chung và thuê bao di động trả trước hiện nay thế nào?


Về mặt kỹ thuật, quản lý không khó lắm nhưng nó đòi hỏi tính đồng bộ. Sau khi Bộ Công an hoàn chỉnh xong dữ liệu chứng minh thư nhân dân thì cung cấp cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Khi có một cái máy lạ xuất hiện trên mạng thì Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra danh tính, anh nói đúng danh tính thì thông máy. Anh nói không đúng danh tính thì có nghĩa là anh giả dối thì bị xóa sim.

Việc làm dữ liệu chứng minh thư nhân dân thì phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, tất nhiên là không thể kéo dài lắm. Bộ Công an làm xong, cung cấp cho Bộ Thông tin và Truyền thông thì việc quản lý các số ảo là đơn giản.

Nhưng trên thực tế, khi cạnh tranh, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã tung ra nhiều sim giá rẻ dẫn tới việc lãng phí tài nguyên số, khó kiểm soát vì có nhiều trường hợp dùng sim chỉ 1 lần, hết thời gian nghe gọi khuyến mại là họ không dùng nữa?

Phải nói thế này, trong kinh doanh hiện nay, rất nhiều thông tin cần phải giữ bí mật. Bởi thế người ta dùng nhiều sim để bảo đảm cái bí mật đó, nhưng cũng có nhiều trường hợp lợi dụng việc sở hữu nhiều sim để làm điều không tốt, ví dụ như nhắn tin nhảm nhí, đe đoạ người khác... thì ta khoanh số người không tốt đấy lại. Việc người sử dụng nhiều sim thì có thể hiểu được nhưng bắt buộc anh phải công khai danh tính trên mạng để quản lý.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Anh Minh (ghi)

Tin cùng chuyên mục