Đại gia hàng không bị chỉ trích vì “Á hóa” Qantas

Qantas đã ngừng các chuyến bay trong 48 tiếng đồng hồ vào tháng 10 vừa rồi do tranh cãi về chuyển một bộ phận của hãng sang châu Á.
Người đứng đầu hãng hàng không Australia Qantas, Alan Joyce, ngày 13/2 đã có một phát biểu gây tranh cãi và bị chỉ trích dữ dội, khi cho rằng lệnh cấm bay với hãng này được ông đưa ra năm ngoái là “tích cực cho thương hiệu” Qantas.

Joyce đã ngừng tất cả các máy bay của Qantas trên phạm vi toàn cầu trong 48 tiếng đồng hồ vào tháng 10 vừa rồi do một cuộc tranh cãi về các hợp đồng lao động liên quan đến việc chuyển bộ phận quốc tế đang gặp nhiều khó khăn của hãng sang châu Á.

Các liên đoàn lao động đại diện cho phi công, kỹ sư và nhân viên mặt đất đã rời sở làm, cáo buộc Joyce tìm cách “Á hóa” Qantas và cắt giảm công việc của người bản địa để chuyển ra nước ngoài vì lợi nhuận.

Vụ ngừng bay đã khiến Qantas mất khoảng 194 triệu AUD (208 triệu USD), nhưng Joyce lại cho rằng đó là điều tốt.

“Tôi cho rằng rốt cuộc điều đó lại là tích cực cho thương hiệu," Joyce nói với báo The Australian, tờ báo đã công bố danh sách coi ông là doanh nhân nhiều ảnh hưởng nhất ở Australia, xếp trên những tên tuổi như Marius Kloppers của công ty khoáng sản BHP hay Tổng giám đốc ngân hàng ANZ Mike Smith.

Ông Joyce cho biết: “Trong vài tháng trước vụ cấm bay, chúng tôi bị các liên đoàn lao động quấy nhiễu rất nhiều. Chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong việc lên một lịch trình bay ổn định và cộng đồng doanh nhân đã rời bỏ Qantas. Nhưng sau vụ đó, chúng tôi nhận được sự đáp lại ngay lập tức và nhanh chóng từ các quầy vé bởi lẽ sự bảo đảm đã trở lại. Vào ngày ra lệnh cấm bay, tôi nhận được rất nhiều thư điện tử, 90% trong số đó là tích cực."

Liên đoàn các phi công Australia và quốc tế (AIPA) nói nhận xét của ông Joyce là “kỳ lạ và đáng lo ngại." Theo AIPA, động thái trên đã khiến hàng chục nghìn người trên toàn thế giới mắc kẹt ở các sân bay gần hai ngày và gây ra “một thảm họa về thương hiệu” cho Qantas.

“Bất cứ cuộc thăm dò và tư duy bình thường nào cũng sẽ cho thấy khi một tổng giám đốc Qantas cho ngừng bay toàn bộ phi đội của mình, thì đó không thể là chuyện tốt. Nó sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của hãng," Chủ tịch AIPA, cơ trưởng Barry Jackson, nói. “Nhưng ông Joyce lại tin rằng kết cục nó giúp cải thiện hình ảnh của hãng, và điều đó đáng lo ngại một cách khó tin."

Bất chấp những tranh cãi, Joyce đã khẳng định ông sẽ thúc đẩy các kế hoạch tái cấu trúc Qantas, bao gồm việc thành lập hãng hàng không giá rẻ Jetstar Japan và một liên doanh thứ hai ở châu Á./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục