Hà Nội giảm trung bình 1,5% số hộ nghèo mỗi năm

Sau 5 năm phát triển nông nghiệp, nông thôn, trung bình mỗi năm Hà Nội giảm 1,5% hộ nghèo, thu nhập đạt hơn 199 triệu đồng/ha.
"Trung bình mỗi năm thành phố Hà Nội giảm 1,5% hộ nghèo, thu nhập tăng từ 108 triệu đồng lên hơn 199 triệu đồng/ha," là nhận xét của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái về năm năm phát triển nông nghiệp, nông thôn sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính.

Sau năm năm xây dựng và phát triển, khoảng cách giàu nghèo giữa các quận nội thành với ngoại thành được giảm dần, người nông dân dễ dàng tiếp cận được với văn hóa, tri thức. Các hoạt động về y tế, giáo dục được cải thiện. Bức tranh về nông thôn của thành phố có nhiều đổi thay lớn, thành phố đã tập trung đầu tư cho sản xuất, xây dựng nâng cấp hệ thống kênh mương, thủy lợi, xây dựng hoàn thành các trạm tưới tiêu, nhằm đảm bảo việc tưới, thoát nước, đảm bảo cho công tác sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đưa máy móc trang thiết bị để hoàn thành việc đưa cơ giới hóa, giảm sức lao động con người, nâng cao năng suất.

Hiện nay, Hà Nội đã hình thành các vùng sản xuất lớn theo hướng hàng hóa, về lương thực không chỉ đáp ứng nhu cầu cho khu vực thành phố mà còn trở thành hàng hóa xuất khẩu ra các địa phương khác và nước ngoài. Các vùng rau an toàn, khu chăn nuôi tập trung nằm xa khu dân cư, vùng cây ăn quả đặc sản... ở huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Ba Vì...

Sau năm năm, thành phố đã xây dựng được hàng nghìn kilômét đường trục xã, liên xã, thôn, xóm cùng với hàng trăm kilômét đường trục chính nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, trạm bơm...

Đặc biệt, 100% các gia đình đã được sử dụng điện lưới, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm từ 50-55%. Tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư đạt tiêu chuẩn làng văn hóa 68%; tỷ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa-thể thao đạt 92%. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 3.828 nhà hư hỏng của hộ nghèo.

Phó Bí thư Nguyễn Công Soái cũng cho rằng xây dựng nông thôn mới là việc làm khó, không phải chuyện một sớm một chiều mà có thể giải quyết được ngay, nhưng nếu quyết tâm và đồng lòng giữa chính quyền với người dân thì mọi việc đều sẽ làm được. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, trước tiên phải coi trọng công tác dân chủ cơ sở, lấy ý kiến người dân vào công tác quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ giới hóa, dồn điền đổi thửa...

Để tạo được hiệu quả cao những việc này, cán bộ đảng viên phải gương mẫu đi đầu, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tích cực tuyên truyền cho người dân về lợi ích của xây dựng nông thôn mới, đặc biệt về áp dụng khoa học kỹ thuật.

Ngoài việc học tập các mô hình sản xuất hiệu quả cần có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công tác quản lý cũng như sản xuất nông nghiệp, góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo hướng đồng bộ, bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, tình hình thu nhập của người dân khu vực nông thôn năm 2012 đạt khoảng hơn 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 48% lao động xã hội (dưới 20% lao động xã hội); lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt  42% (phấn đấu đạt 55%); toàn thành phố đã giải quyết được 135.800 người có việc làm, tổ chức 106 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng được 25.000 người. Sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội thời gian qua tăng trưởng nhanh./.

P.A (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục