Bảo tồn sinh học ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã có nhiều nỗ lực trong quá trình nghiên cứu và bảo tồn các giá trị về đa dạng sinh học.
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có diện tích 85.754ha, nằm trong địa giới của huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Với kiến tạo Karst chiếm 2/3 diện tích đã tạo cho Vườn nhiều giá trị đặc trưng và tiêu biểu về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là hệ thống hang động và sông ngầm nổi tiếng.

Theo nhận định của các nhà khoa học trong và ngoài nước, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng thường xanh nguyên sinh trên núi đá vôi rộng lớn nhất Việt Nam, một trong những khu rừng đặc dụng hàng đầu của cả nước, là nơi lưu giữ nhiều giá trị khoa học và đa dạng sinh học.

Trong số đó có 2.651 loài thực vật bậc cao có mạch, 848 loài động vật có xương sống, 396 loài động vật không xương sống. Đặc biệt có 419 loài thực vật và 30 loài động vật đặc hữu của Việt Nam; 116 loài thực vật và 129 loài động vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, Nghị định 32 và Sách Đỏ thế giới.

Kể từ khi được thành lập (năm 2001 theo Quyết định 189 của Thủ tướng Chính phủ), Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã có nhiều nỗ lực trong quá trình nghiên cứu và bảo tồn các giá trị về đa dạng sinh học, nhờ đó đã khám phá và phát hiện thêm 15 loài mới, trong đó có 13 loài bò sát và 2 loài lưỡng cư.

Điều đáng ghi nhận là năm 2000, Chương trình hợp tác khoa học giữa Vườn quốc gia với Vườn thú Cologne-Cộng hòa Liên bang Đức đã tiến hành thu thập những mẫu vật đầu tiên về bò sát và lưỡng cư. Còn trong chương trình hợp tác nghiên cứu về đa dạng các loài Lan tại Vườn, năm 2005, các nhà khoa học Liên bang Nga và Đại học quốc gia Hà Nội phát hiện mới về quần thể Bách xanh đá, một loài đặc hữu của Việt Nam.

Một trong những nỗ lực đáng nói trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đó là xây dựng Vườn thực vật rộng 41,83ha-nơi sưu tập mẫu vật sống các loài thực vật và một số loài đặc hữu của các vùng phụ cận. Bao gồm gần 500 loài thực vật tự nhiên và 133 loài thực vật được trồng bổ sung. Trạm cứu hộ động vật hoang dã và một khu nuôi thả bán hoang dã các loài linh trưởng nguy cấp, với diện tích hơn 20ha cũng đã được xây dựng và vận hành, tỷ lệ cứu hộ thành công đạt trên 90%.

Mặt khác, các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cũng được tăng cường. Hiện Vườn thiết lập 11 trạm, đội Kiểm lâm tại hầu hết các khu vực quan trọng. Nhờ đó, đa dạng sinh học của Vườn về cơ bản được bảo vệ tốt, nên phần lớn các khu rừng nguyên sinh được giữ gìn vẹn nguyên. Nhất là các quần thể thực vật có tầm quan trọng toàn cầu như Bách xanh đá, Lan hài được giữ nguyên đúng trạng thái ban đầu; khu hệ thú sinh trưởng cũng được bảo tồn và phát triển với nhiều quần thể lớn có khả năng tiếp cận được trong thực tế.

Tuy vậy, do năng lực quản lý cũng như nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vẫn còn bất cập, dẫn đến tình trạng săn bắn động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép vẫn có nơi có lúc còn diễn ra; việc điều tra khảo sát đầy đủ về đa dạng sinh học có nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính yếu là do thiếu thốn về nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng, đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến khả năng quản lý và và nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.

Do đó, điều cấp thiết nhất là cần hình thành một bộ phận chuyên trách về nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, được độc lập về kinh phí hoạt động ngay tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Qua đó lấy nghiên cứu bảo tồn làm cơ sở để khai thác, phát triển du lịch nhằm chia sẻ lợi ích từ du lịch để tái đầu tư cho nghiên cứu bảo tồn. Mặt khác tranh thủ sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, kinh phí của các tổ chức trong và ngoài nước nhằm bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này một cách bền vững./.

Văn Hào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục