Khi nào trường quốc tế sai và cơ quan nào xử lý?

Cho con học trường quốc tế là sự tự chọn lựa, song nhiều phụ huynh chưa rõ các cơ sở này được quản lý và bị xử lý ra sao nếu sai phạm.
Sau khi Vietnam+ đăng hai bài “Học trường quốc tế: Tiền mất... nhiều, tật có mang?”  và Trường quốc tế “đắt xắt ra miếng” hay dở Tây-dở Ta?” ngoài những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh vì bài báo đã nói đúng “nỗi lòng” của họ,  còn một vấn đề nổi cộm là việc quản lý trường quốc tế hoạt động tại Việt Nam như thế nào cho đúng với chất lượng và những quy định của luật pháp Việt Nam với những lĩnh vực liên quan.
Với băn khoăn trên, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Chu Hồng Thanh-Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, xung quanh dự thảo nghị định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có những quy định liên quan đến việc quản lý các trường quốc tế ở Việt Nam. PGS.TS Chu Hồng Thanh thừa nhận hiện các nghị định và các văn bản quy định trước đây để quản lý các cơ sở đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài đã không còn phù hợp với tình hình mới. Theo PGS.TS Chu Hồng Thanh, sau gần 2 năm lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành và nhân dân, dự thảo nghị định quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp và đang được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ký ban hành. Có khá nhiều câu trả lời về việc quản lý đã được giải đáp trên văn bản này. Giáo dục văn hóa Việt: Nền tảng không thể thiếu Về hình thức hợp tác, đầu tư, sẽ có hình thức cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài cùng tổ chức đào tạo theo chương trình quốc tế  hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng. PGS.TS Chu Hồng Thanh giải thích “Trong tình hình hiện nay, con em của các chuyên gia và các doanh nhân nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có trường học và cả con em của các gia đình Việt Nam muốn “hội nhập” giáo dục quốc tế để chuẩn bị cho bước du học tiếp theo cũng có nhu cầu mạnh mẽ.” Dự thảo nghị định có nêu rõ về ngôn ngữ sử dụng để giảng dạy các môn chuyên ngành trong chương trình liên kết đào tạo cấp văn bằng của nước ngoài là những ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp quốc tế. Không giảng dạy thông qua phiên dịch. Tuy nhiên, khi có thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định cũng mong cơ quan có chức năng đưa ra quy định các loại thông báo của trường cần có bản tiếng Việt khi gửi cho phụ huynh  người Việt Với hình thức này nêu trên, khi chọn cho con em người Việt học trường quốc tế thì phía phụ huynh cũng cần có kiến nghị về việc cần dạy kiến thức văn hóa Việt Nam với chương trình song ngữ hoặc cân nhắc kỹ  khi chọn chương trình 100% ngoại. Cũng cần nói thêm rằng, với chương trình quốc tế, các trường cũng cần lưu tâm khi xây dựng chương trình bổ sung, vì ngay cả việc dạy về Việt Nam cho trẻ nước ngoài đang học tập ở Việt Nam cũng là cần thiết. Nếu phụ huynh chọn chương trình có sự kết hợp giáo dục Việt Nam và giáo dục quốc tế thì phụ huynh kiến nghị về sự “mất gốc” khi học trên đất Việt là rất chính đáng và cơ sở giáo dục làm sai hoặc chưa đầy đủ sẽ phải chịu trách nhiệm. Học phí: Tự xác định trên cơ sở rõ ràng, minh bạch Dự thảo nghị định có quy định rõ: “Các bên liên kết tự xác định mức học phí, trên cơ sở đảm bảo các chi phí phù hợp với trình độ, ngành đào tạo, chất lượng của dịch vụ giáo dục.” Điều mà nghị định chưa đi sâu được nhưng sẽ được văn bản hướng dẫn thực hiện cần cụ thể hóa ở đây là việc nếu cơ sở đạo tạo tăng học phí thì sẽ dựa trên thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh cả một cấp học hay theo năm học. Khi nào thì được và khi nào thì không được tăng học phí. Cụ thể về vấn đề này thì khâu quản lý còn yếu. Sau khi nghị định được ban hành, các văn bản hướng dẫn thực hiện cần cụ thể hóa rõ ràng hơn. Một vấn đề mà các bậc phụ huynh cần biết để đảm bảo quyền lợi là, theo nghị định, “các loại thiết bị, sách giáo khoa phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của cơ sở được miễn thuế nhập khẩu theo quy định hiện hành.” Như vậy, các trường quốc tế nếu lấy lý do nhập thiết bị, sách giáo khoa giá cao để thu thêm một khoản không nhỏ nữa cùng học phí từ phụ huynh học sinh thì cần giải thích rõ ràng và hợp lý. Cũng như giá sách giáo khoa, đồ dùng giảng dạy mà giá cao, phụ huynh cũng cần yêu cầu có sự giải trình. Không đủ chất lượng cam kết sẽ bị đình chỉ, chấm dứt hoạt động Về kiểm định chất lượng giáo dục, dự thảo nghị định nêu rõ: “Trong quá trình tổ chức đào tạo, chương trình liên kết đào tạo và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, định kỳ triển khai tự đánh giá và cải tiến chất lượng theo các tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc của nước ngoài.” Kết quả kiểm định chất lượng chương trình liên kết đào tạo và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được công bố công khai và được các cơ quan chức năng của Việt Nam sử dụng để quyết định cho phép tiếp tục, mở chi nhánh, đình chỉ, chấm dứt hoạt động hay thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, đâu là tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cũng cần phải công khai. Phía nhà trường cũng cần phải thông tin đầy đủ, rõ ràng. Phụ huynh rất nên quan tâm và dõi theo các tiêu chuẩn đó. Không thể đến lúc cần thắc mắc mới tìm hiểu và kiến nghị./.
             Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là nơi giải quyết khiếu nại, tố cáo

Nhiều phụ huynh muốn hỏi về những cơ quan và cấp có thẩm quyền nào sẽ “điều chỉnh” và “xử lý các sai phạm của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Trong dự thảo nghị định có quy định rõ về quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thành phố cũng được quy định cụ thể.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, với chức năng quản lý nhà nước về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dụ, sẽ hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với các hoạt động hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Các cơ sở giáo dục có nghĩa vụ thực hiện chế độ kiểm toán hàng năm, gửi báo cáo tới Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại của địa phương nơi Văn phòng đặt trụ sở.

Các Bộ Tài chính, Lao động Thương binh và xã hội, Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra hoạt động tài chính, đầu tư, dạy nghề…định kỳ 6 tháng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo những quy định quyền hạn và trách nhiệm kể trên, có thể thấy nếu thực hiện nghiêm thì cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có thể là chốn gửi gắm niềm tin của phụ huynh. Song trong lúc “chờ” nghị định và các hướng dẫn cụ thể được ban hành thì phụ huynh phải có chọn lựa sáng suốt và hợp đồng rõ ràng với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài mình “chọn mặt gửi…con!”
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục