Dân cư biến động: Thách thức cho chuẩn bị bầu cử

Việc dân không ổn định nơi ở, nhân khẩu thay đổi thường xuyên đã gây không ít khó khăn cho công tác chuẩn bị bầu cử ở một số địa bàn.
Càng đến gần ngày bầu cử, 22/5, công tác chuẩn bị càng trở nên gấp rút. Trong các sôi động, hối hả chung của cả nước, mỗi địa bàn lại mang những thuận lợi, khó khăn riêng đặc trưng mà chính quyền cơ sở, các tổ chức xã hội, cá nhân những người làm công tác chuẩn bị phải gánh vác Phường Giang Biên (Quận Long Biên, Hà Nội) là một trong những địa phương có số cử tri có hộ khẩu tạm trú chiếm tới gần 40% tổng số cử tri, đặc biệt là tại khu đô thị mới Việt Hưng. Công tác tuyên truyền và lên danh sách cử tri gặp nhiều khó khăn vì biến động nhiều về dân cư. Người dân nơi đây thường đi làm thất thường, ít có người ở nhà, có những người đi công tác xa cả tháng mới có mặt ở nhà một lần. Việc triển khai công tác bầu cử đến người dân tại khu đô thị Việt Hưng một cách đầy đủ là thách thức lớn.
Cử tri bỏ đi không thông báo
Để lên danh sách cử tri chính xác, trừ trước Tết cả tháng trời, khi đến mỗi hộ dân cư điều tra dân số, bà Hà tổ trưởng hòm phiếu số 10 tại phường Giang Biên (Quận Long Biên, Hà Nội) phải hỏi từng hộ gia đình có nguyện vọng tham gia bầu cử tại địa phương đang sinh sống hay không để đăng ký vào danh sách cử tri. Vất vả đến đến từng nhà, hỏi từng hộ gia đình lên danh sách xong vẫn chưa hết việc. Người dân sinh sống ở khu vực này thay đổi liên tục, bán nhà chuyển nhà mà không cần báo với công an hay tổ dân phố. Bà Hà kể: “Vừa hôm trước tôi đến hỏi còn đăng ký tham gia bầu cử tại tổ, mấy hôm sau đã thấy lịch kịch đồ đạc chuyển nhà, lại phải bỏ tên khỏi danh sách kẻo lại có tên mà không có mặt để bỏ phiếu.” Bà cho biết ngay tại tổ bầu cử bà tham gia phụ trách cũng chỉ có 76 hộ với 176 cử tri chắc chắn tham gia bầu cử vì đã hộ khẩu về quận Long Biên. Còn lại 124 hộ vẫn còn biến động. Công tác lên danh sách cử tri ở đây càng khó khăn hơn khi không thể dựa vào số iệu của công an khu vực. Có những hộ dân đã chuyển đi từ năm 2008 nhưng không báo lại với công an phường, đến lúc lên danh sách cử tri vẫn có tên, cán bộ tổ dân phố phải trực tiếp kiểm tra và thông báo để điều chỉnh cho chính xác. Chị Nguyễn Thị Hoài, cán bộ thống kê phụ trách việc lên danh sách cử tri cho biết: “Việc lên danh sách cử tri gặp rất nhiều khó khăn, địa bàn khu đô thị Việt Hưng có đặc điểm là dân cư không cố định, có những hộ gia đình chuyển đến, chuyển đi, bán nhà, mua nhà cũng không thông báo với công an phường để kịp thay đổi và bổ sung. Có những hộ gia đình lúc lập danh sách cử tri vẫn ở đó nhưng sau khi niêm yết danh sách lại chuyển đi mà không hề thông báo với tổ dân phố hay công an phường.” “Tại khu vực bỏ phiếu số 1, lúc lên danh sách có 709 cử tri nhưng sau khi niêm yết danh sách đã có 29 cử tri đã chuyển đi. Cả phường có 12 điểm bầu cử thì trong đó đã có tới 5 điểm bầu cử có cử tri thay đổi liên tục và phải rà soát hàng ngày. Hầu như các điểm bầu cử đều có sự biến động.” Chị Hoài nói. Vất vả tuyên truyền trực tiếp Không chỉ khó khăn trong việc lên danh sách cử tri, công tác tuyên truyền tại khu vực này cũng vất vả không kém. Tại khu đô thị Việt Hưng không có trạm truyền thanh của phường, các cán bộ văn hóa làm công tác tuyên truyền cho việc bầu cử phải đến tận khu dân cư để truyên truyền trực tiếp. Kết hợp với xe của công an phường, cứ một tuần 2, 3 lần, chị Ngô Thị Hằng, Cán bộ văn hóa phụ trách tuyên truyền về bầu cử đại biểu lại đến khu đô thị Việt Hưng tuyên truyền về công tác bầu cử. Riêng những ngày quan trong như ngày niêm yết danh sách cử tri, ngày tuyên truyền về tiểu sử các ứng cử viên thì chị Hằng phải mất cả ngày để tuyên truyền. Chị Hằng kể: “Chúng tôi làm công tác tuyên truyền tại cơ sở phải nghiên cứu thời gian nào người dân ở nhà, tuyên truyền từ sáng sớm lúc mọi người chưa đi làm cho tới lúc họ đi làm.” “Phải đến sớm từ 6 giờ để tuyên truyền, rồi có khi trời mưa, khi thì xe ưu động bị hỏng, rồi say xe, tôi cảm thấy rất vất vả nhưng bù lại, khi công tác tuyên truyền của mình dần dần có hiệu quả, người dân bắt đầu hiểu rõ hơn về công tác bầu cử, tự tìm hiểu về các thông tin bầu cử, tôi cũng thấy vui vui.” Những nỗ lực của từng cá nhân như vậy, cùng với công tác tuyên truyền tại phường đang được đẩy mạnh đều nhằm tới mục tiêu đảm bảo công tác bầu cử diễn ra đúng kế hoạch, trình tự, nghiêm túc, chặt chẽ và đúng luật. Để đảm bảo quyền dân chủ trong bầu cử, chính quyền cơ sở phường Giang Biên cũng đang bám sát địa bàn, hiểu rõ đặc điểm dân cư, chọn thời gian thích hợp bất kể ngày đêm để có thể tuyên truyền về việc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 13 và Hội đồng nhân dân các cấp đến với tất cả người dân. Hiện nay, tại địa phương, một tổ bầu cử gồm có 15 người trực tiếp thay nhau trực và theo dõi, tiếp nhận và trả lời những thắc mắc của cử tri, kiểm tra những sai sót  và nhất là rà soát thường xuyên để tránh bỏ sót cử tri./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục