Nguy cơ xảy tai nạn tại các mỏ đá ở Thái Nguyên

Các mỏ khai thác đá có phép hay mỏ "thổ phỉ" ở Thái Nguyên đều không chú trọng đảm bảo an toàn cho dân cư, gây nguy cơ tai nạn cao.
Theo thống kê mới nhất của Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có hơn 100 mỏ, điểm mỏ khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác, trong đó có 7 mỏ khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, 37 mỏ vật liệu thông thường, chủ yếu là mỏ khai thác đá, cát sỏi.

Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản thời gian qua đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như quản lý quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên, khoáng sản chưa tốt, vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách, tác động xấu đến môi trường.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp trong quá trình tổ chức khai thác mỏ chưa quan tâm đúng mức đến việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động. Qua khảo sát thực tế tại một số mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng hiện nay, nguy cơ mất an toàn lao động trong quá trình khai thác, sản xuất càng được thấy rõ.

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã đến xóm Trung Sơn, xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ - nơi gần kề với Mỏ đá Quang Sơn thuộc Công ty cổ phần đá ốp lát và vật liệu xây dựng Thái Nguyên đúng vào thời điểm nổ mìn. Không có hiệu lệnh báo động nguy hiểm, chỉ sau mấy tiếng hú hét của công nhân gọi nhau vài chục giây là mìn nổ ầm ầm, đất đá bay rào rào.

Dù khai thác gần nhà dân, sử dụng vật liệu nổ nhưng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư. Ông Hoàng Văn Lâm - ở xóm Trung Sơn cho biết: hôm trước khi cả gia đình đang ăn cơm thì mìn nổ, văng cả hòn đá to bằng cái bằng ấm tích xuyên qua mái nhà, rơi vào đúng mâm cơm làm cả nhà hú hồn. Ở khu vực mỏ này năm nào cũng có người chết liên quan đến tai nạn lao động, còn chuyện đá bay, đá lăn làm thiệt hại nhà cửa, hoa màu không còn là chuyện lạ.

Đó là ở khu vực có giấy phép khai thác đàng hoàng, còn tại các điểm khai thác "thổ phỉ" sự nguy hiểm còn tăng cao nhiều lần. Tại xóm Ó, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương có 5 điểm mỏ khai thác đá tự phát. Tại mỏ đá của ông chủ Sang, những người khai thác thản nhiên khoan nổ ngay dưới vách đá đã bị cắt dựng đứng, bất chấp phía trên đỉnh đầu cao chừng 20-30m vách đá bị đánh vỉa nham nhở, lộ rõ những vết nứt, những tảng đá to với nguy cơ ụp xuống đầu người bất kể lúc nào.

Nguy hiểm hơn, dù khai thác trái phép nhưng các chủ mỏ vẫn tìm được vật liệu nổ công nghiệp để bóc tầng nên ở đây tiếng mìn nổ cũng sôi động chẳng kém công trường khai thác đá hợp pháp nào.

Ông Hoàng Công Tạo, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Lạc thừa nhận, việc khai thác đá trái phép trên địa bàn đã diễn ra từ nhiều năm nay, năm nào xã cũng tiến hành kiểm tra, riêng năm nay thì chưa kiểm tra được lần nào. Ông Tạo đọc cho phóng viên đích danh một số ông chủ mỏ "thổ phỉ" như ông Sang, ông Trọng, ông Nguyên...

Ban đầu ông Bí thư Đảng ủy xã chống chế là bà con khai thác để san lấp đường thôn xóm nhưng sau đó ông lại cho biết thêm là họ bán cho các xã lân cận. Rõ ràng lãnh đạo địa phương đã biết rõ việc khai thác đá trái phép ở đây nhưng không hiểu vì lý do gì mà chưa ra tay ngăn chặn, xử lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tuấn - Thanh tra Sở lao động, thương binh và xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 5 vụ tai nạn lao động tại các mỏ đá, riêng ở Mỏ đá Quang Sơn đã xảy ra 2 vụ làm chết 2 người.

Qua kiểm tra công tác an toàn lao động tại các mỏ đá thì hầu hết các đơn vị mỏ đã cắt giảm chi phí đầu tư cho công tác an toàn lao động, việc cắt giảm không chỉ đơn thuần là không trang bị bảo hộ lao động, tập huấn an toàn lao động mà còn không thực hiện nghiêm túc quy trình khai thác theo quy định và thiết kế, trong khi bản thân người lao động hầu như không chấp hành quy định, kỹ thuật an toàn trong khai thác. Đáng ngại nhất là các chủ mỏ đều thuê hợp động lao động theo thời vụ.

Các cơ quan chức năng chỉ quản lý được khoảng 30 mỏ được cấp phép khai thác đá trên địa bàn, số mỏ khai thác trái phép thì công tác an toàn lao động gần như bị bỏ lửng. Cũng trong năm 2010, qua kiểm tra các điểm mỏ khai thác đá, Thanh tra Sở đã xử phạt 11 trường hợp vi phạm các quy định về an toàn lao động, xử phạt 20 triệu đồng... Rõ ràng mức phạt này chưa đủ sức răn đe với các chủ mỏ.

Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng ở tỉnh Thái Nguyên cần nhanh chóng vào cuộc, siết chặt lại công tác đảm bảo an toàn lao động tại các mỏ khai thác đá trên địa bàn, tránh những thiệt hại đáng tiếc về người như vụ sập mỏ đá ở Lèn Cờ (Yên Thành, Nghệ An) vừa qua./.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục