"Tuyên truyền ứng phó mưa bão từng người dân"

Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Quảng Nam chú trọng hơn nữa trong công tác tuyên truyền đến từng người dân để ứng phó với mưa bão.
Ngày 19/11, Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã có chuyến đi thị sát và chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt tại một số địa điểm lũ lụt gây thiệt hại nặng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như dọc hai bên bờ sông Thu Bồn, Cầu Đen (địa phận huyện Duy Xuyên), huyện Điện Bàn…

Trong đợt lũ lụt từ ngày 12 đến 17/11, trên địa bàn Quảng Nam có lượng mưa phổ biến từ 120mm đến 150mm. Một số địa phương mưa rất to như Trà My 458mm, Tiên Phước 334mm, Hiệp Đức 246mm… làm mực nước sông trên địa bàn dâng nhanh lên trên mức báo động 3.

Trước tình hình đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tổ chức sơ tán 8.346 hộ với khoảng 30.000 nhân khẩu tại các huyện bị ngập sâu như Nông Sơn, Điện Bàn, Đại Lộc đến nơi an toàn.

Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương bố trí dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm tại 71 điểm, tập trung ở khu vực miền núi dễ bị chia cắt, cô lập với gần 10.000 thùng mỳ tôm, 1.700 tấn gạo, 110 tấn muối, 112.000 lít dầu hỏa, gần 1 triệu lít xăng và nhiều mặt hàng thiết yếu khác với tổng giá trị lên đến 40 tỷ đồng.

Sau khi nghe Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam báo cáo về mức độ mưa lũ cũng như thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Nam cần chú trọng hơn nữa trong công tác tuyên truyền đến từng người dân để họ cảnh giác; chủ động trong việc phối hợp ứng phó với mưa bão. Thường xuyên bố trí kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm chuẩn bị đủ vật tư, trang thiết bị cần thiết ứng phó khi sự cố xảy ra.

Do địa hình miền Trung có độ dốc cao nên tỉnh cần thường xuyên kiểm tra công tác gia cố, kế hoạch vận hành liên hồ… báo cáo về cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, điều tiết và quản lý phù hợp, nhất là trong mùa mưa bão.

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, tỉnh Quảng Nam cần chủ động phối hợp trong việc vệ sinh đồng ruộng, môi trường… để phòng chống dịch bệnh sau lũ. Tỉnh cần tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư… lập kế hoạch đề nghị Chính phủ hỗ trợ giống sản xuất, khắc phục lại cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu dân cư tránh lũ nhằm sớm giúp nhân dân ổn định đời sống, yên tâm sản xuất.

Trong đợt này, Bộ Quốc phòng, Quân Khu V cũng đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết, mất tích là 8 triệu đồng, mỗi người bị thương 5 triệu đồng.

Đợt lũ vừa đã gây thiệt hại nặng cho tỉnh Quảng Nam, trong đó có 8 người chết, mất tích và 4 người bị thương nặng; khoảng 8.346 nhà dân bị ngập, hàng trăm nhà bị hư hại; gần 800ha lúa rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số bị hư hỏng, trên 1.000ha rau màu của các hộ dân ở huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Nam Trà My… bị ngập úng và hư hỏng. Ngoài ra còn có hàng trăm con gia súc, hàng ngàn con gia cầm bị chết và lũ cuốn trôi.

Các tuyến đường quốc lộ (14B, 14E), tỉnh lộ… bị sạt lở và lũ cắt khúc. Hàng trăm cầu cống trên địa bàn bị hư hại, đặc biệt là cầu Gò Nổi 3 xã Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang thuộc huyện Điện Bàn bị sụt lún, gãy nhịp khiến các phương tiện giao thông cơ giới không thể lưu thông. Hàng chục ngàn người dân sinh sống ở đây hầu như bị cô lập…

Thiệt hại ban đầu do đợt lũ vừa qua gây ra trên địa bàn Quảng Nam ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng./.

Nguyễn Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục