Khi sự hâm mộ thần tượng lấn át giá trị đích thực

Có thể nói, chưa có khoảng thời gian nào mà Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều nghệ sỹ nước ngoài như hiện nay. Cơn sốt “sao ngoại” bắt đầu từ khoảng năm 2009 với sự xuất hiện của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc SNSD, sau đó liên tiếp là dấu ấn của Super Junior, Bob Dylan, Backstreet Boys… Thế nhưng, những lỗ hổng trong truyền thông hay những “đôi dép lệch tông” giữa truyền thông và mục đích tuyên truyền đôi khi đã khiến cho những thần tượng âm nhạc này trở nên “vô duyên” và lấn át những giá trị cốt lõi của các chương trình biểu diễn đích thực.
Có thể nói, chưa có khoảng thời gian nào mà Việt Nam trở thành điểm đến của nhiều nghệ sỹ nước ngoài như hiện nay.

Cơn sốt “sao ngoại” bắt đầu từ khoảng năm 2009 với sự xuất hiện của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc SNSD, sau đó liên tiếp là dấu ấn của Super Junior, Bob Dylan, Backstreet Boys… và sắp tới là một số nghệ sỹ trẻ nổi tiếng khác như 2AM hay JYJ.

Thế nhưng, những lỗ hổng trong truyền thông hay những “đôi dép lệch tông” giữa truyền thông và mục đích tuyên truyền đôi khi đã khiến cho những thần tượng âm nhạc này trở nên “vô duyên” và lấn át những giá trị cốt lõi của các chương trình biểu diễn đích thực.

Từ MTV Exit - năm 2010, tuyên truyền chống nạn bóc lột và buôn bán người…

Chương trình MTV Exit diễn ra vào tháng 3 năm ngoái tại sân vận động Mỹ Đình với sự xuất hiện của nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc Super Junior đã trở thành một hiện tượng đình đám tốn không biết bao giấy mực của giới truyền thông thời gian đó.

Chỉ với cái tên Super Junior, chương trình này đã không cần phải mất nhiều công sức để kêu gọi khán giả đến với mình. Trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội, cuộc săn lùng vé xem MTV Exit diễn ra sôi nổi từng ngày.

Đêm diễn chật cứng người xem, tràn ngập sắc màu xanh dương của những người hâm mộ Super Junior có thể được coi là một thành công lớn của ban tổ chức khiến nhiều chương trình khác phải ghen tị.

Thế nhưng, cũng chính vì sự rầm rộ lấn át của cái tên Super Junior mà mục tiêu truyền thông chính của MTV Exit - chấm dứt nạn bóc lột và buôn bán người - dường như đã bị lu mờ. Cái tên được giới truyền thông săn đón không phải là MTV Exit - End Exploitation and Trafficking mà luôn là Super Junior.

Các video clip tuyên truyền được phát đi phát lại trong đêm diễn dường như cũng không đủ để đọng lại dấu ấn trong tâm trí khán giả, khi đến cuối chương trình, màn biểu diễn của Super Junior đã càn quét trái tim của họ.

Sau chương trình, các mạng xã hội tràn ngập những bài viết thể hiện sự xúc động của những khán giả khi được tận mắt nhìn thần tượng, còn những thông tin về “chống nạn bóc lột và buôn bán người” chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhỏ nhoi, lạc lõng và hoàn toàn mờ nhạt giữa những dòng cảm xúc của các fangirl cuồng nhiệt.

Khi xét qua mục đích của chương trình, ta có thể thấy ngay một lỗ hổng vô lý, đó là tại Việt Nam, đối tượng bị lừa bán bởi các tổ chức bóc lột - buôn bán người qua biên giới thường là phụ nữ ở các vùng quê hẻo lánh, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa hạn chế. Đó mới là những đối tượng cần được tuyên truyền.

Thế nhưng, những người được tiếp cận với chương trình đa phần là fan của Super Junior, những thanh thiếu niên thành thị, có cơ hội tiếp xúc với văn hóa nước ngoài, năng động và có hiểu biết.

Độ vênh này liệu có được những nhà tổ chức MTV Exit nghiên cứu và đánh giá? Hiệu quả tuyên truyền về vấn đề nhức nhối của xã hội này liệu có đến được những người đang thực sự cần được nâng cao nhận thức và cần phải tự bảo vệ mình?

… đến TAL show - năm 2011, một tác phẩm nghệ thuật “siêu trình diễn”

Vào ngày 10/6 tới, sân vận động Mỹ Đình lại một lần nữa dậy sóng với sự xuất hiện của một nhóm nhạc nam đến từ Hàn Quốc - nhóm 2AM. Trong nhiều tuần gần đây, trên khắp các mạng xã hội, diễn đàn người hâm mộ, trên các báo, tạp chí, trang thông tin dành cho giới trẻ, giới tuổi teen tràn ngập những thông tin về sự xuất hiện của nhóm nhạc ballad được đánh giá là hát hay nhất Hàn Quốc này.

Cái tên 2AM được nhắc đi nhắc lại nhiều đến mức người ta sẽ lầm tưởng đây là một show diễn riêng của nhóm nhạc này. Nhưng thực chất 2AM chỉ là nhóm nhạc được mời biểu diễn trong chương trình lần này. Cái hồn cốt của chương trình TAL show nằm ở màn biểu diễn nhạc kịch của nghệ sỹ Hàn Quốc Choi Sori.

TAL là viết tắt của “Taekwondo Absolute Legend” - một vở nhạc kịch hiện đại tái hiện huyền sử của môn võ Taekwondo. Đây sẽ là một sản phẩm nghệ thuật ở tầm “siêu trình diễn,” không chỉ bởi dàn sân khấu, âm thanh, ánh sáng và màn hình LED lên tới nhiều triệu đô, mà còn bởi mức độ tinh tế của kết hợp giữa vũ thuật, trống, những điệu múa cổ truyền Hàn Quốc và các điệu nhảy hiphop hiện đại.

Thế nhưng, với sự đầu tư trí tuệ và vật chất như vậy, màn biểu diễn nhạc kịch của Choi Sori liệu có trở thành một sự phí phạm nghệ thuật khi hầu như khán giả Việt Nam mới chỉ biết đến sự xuất hiện của 2AM?

Tại Hàn Quốc và những quốc gia mà Choi Sori đã đặt chân tới, màn biểu diễn của ông được khán giả nhận xét là “không thể rời mắt dù chỉ một giây.” Nhưng nếu ngẫm lại thời MTV Exit, khi mà khán giả chỉ mong cho phần biểu diễn của các nghệ sỹ khác mau hết để nhanh chóng được nhìn thấy Super Junior, ta lại phải đặt câu hỏi, liệu lần này ở Việt Nam, siêu phẩm nghệ thuật của Choi Sori - nghệ nhân hàng đầu Hàn Quốc - cũng sẽ bị những khán giả tuổi teen của 2AM làm ngơ?

Tác phẩm nhạc kịch “Taekwondo Absolute Legend” của Choi Sori xứng đáng dành cho những khán giả có cảm nhận nghệ thuật cao cấp, thậm chí là một bài học quý giá dành cho những người làm nghệ thuật tại Việt Nam.

Sau TAL của Choi Sori, không biết bao lâu nữa giới nghệ thuật Việt Nam mới lại có cơ hội thưởng thức một tác phẩm “siêu trình diễn” như vậy? Công chúng đích thực sẽ nghĩ gì khi chỉ vì một cái tên thần tượng, họ đã bỏ qua cơ hội được thưởng thức TAL show?

Văn hóa thần tượng không có gì là xấu. Nó là một sự phát triển tất yếu của đời sống giải trí hiện đại. Nhưng vấn đề đặt ra là sự phát triển ấy sẽ đi theo chiều hướng nào, liệu những giá trị đích thực của nghệ thuật có được đảm bảo nếu thiếu đi sự định hướng đúng đắn?

Tại Hàn Quốc, nhiều chương trình truyền thông phục vụ xã hội như tuyên truyền bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, ủng hộ các nạn nhân của thiên tai… đã thành công nhờ sử dụng hình ảnh của các nghệ sỹ thần tượng mà không làm mất đi ý nghĩa đích thực của nó.

Còn tại Việt Nam, đôi khi những chương trình có sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng lại khiến những giá trị xã hội ấy trở nên mờ nhạt, thiếu hiệu quả. Phải chăng những người làm truyền thông cần phải thật cẩn trọng khi sử dụng hình ảnh các thần tượng, để họ có thể phát huy đúng vai trò của mình mà không lấn át những giá trị khác, đồng thời cũng hướng đời sống tinh thần của giới trẻ nói riêng và của xã hội nói chung đi theo con đường tích cực.

Với TAL show with 2AM của Choi Sori lần này, những mong khán giả trẻ tuổi ở Việt Nam cũng sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn về “siêu trình diễn” - một tác phẩm nghệ thuật mà không phải nghệ sỹ nào cũng có thể dành cả cuộc đời để lao động sáng tạo và cống hiến. Đây được đánh giá là một tác phẩm quý giá mang tầm cỡ thế giới và phải mấy chục năm nữa khán giả Việt Nam mới lại có cơ hội được thưởng thức.

Hệ thống sân khấu - âm thanh - ánh sáng- hiệu ứng đặc biệt và chỗ ngồi của show “TAL with 2AM”?

Theo những thông tin mới nhất của ban tổ chức - Công ty Cổ phần Truyển thông V (VCOMM), “The TAL with 2AM” hứa hẹn sẽ thực sự là một “siêu trình diễn,” trong đó đáng kể nhất phải nói tới phần sân khấu - âm thanh - ánh sáng - hiệu ứng đặc biệt và chỗ ngồi sẽ được bố trí, lắp đặt và sử dụng trên sân vận động Mỹ Đình tại đêm diễn ngày 10/6 tới đây.

SR Group Entertainment (Hàn Quốc) là công ty chịu trách nhiệm là nhà tổng thiết kế kỹ thuật của chương trình đã đưa ra hàng tháng trước đây bản thiết kế nhiều trăm trang, chi tiết tới từng ốc vít với hệ thống sân khấu đạt chuẩn quốc tế.

Toàn bộ các thiết bị âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng đặc biệt đều có xuất xứ sản xuất của Hoa Kỷ. Hệ thống âm thanh chất lượng đỉnh cao và công suất cực lớn được bố trí khắp các khu vực cần thiết, gấp nhiều lần so với các chương trình ca nhạc đã có từ trước tới nay biểu diễn ở các sân vận động Việt Nam.

Tổng đạo diễn chương trình - nhạc trưởng Choi Sori - cho hay ngoài nội dung nghệ thuật đặc sắc của TAL và trình diễn của 2AM cùng Lee Hyun, thì phần âm thanh ánh sáng và các hiệu ứng đặc biệt sẽ phục vụ người xem Việt Nam một chương trình biểu diễn độc nhất vô nhị chưa từng có tại Việt Nam.

Ngoài các giàn loa treo, hai bên sân khấu còn được bố trí các màn hình LED to, với độ phân giải cao và tổng diện tích khá lớn, nhằm trợ giúp cho khán giả khi ngồi xa nhất trên các khán đài cũng được chiêm ngưỡng những gì nhỏ nhất đang diễn ra trên sân khấu chính.

Điều khiển vận hành toàn bộ hệ thống kỹ thuật của show diễn là gần 50 chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam.

Chương trình được sự bảo trợ của chính phủ Hàn Quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc và nhận được sự tài trợ của Liên đoàn Taekwondo Hàn Quốc./.

2AM và Lee Hyun cam kết sẽ không hát nhép tại TAL show

Trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật “siêu trình diễn” của nghệ nhân nổi tiếng thế giới Choi Sori, ngoài 2AM, còn có sự tham gia của ca sĩ Lee Hyun (trưởng nhóm 8Eight) của Hàn Quốc.

Với TAL show, mới đây 2AM và Lee Hyun đã chính thức cam kết sẽ không hát nhép mà thể hiện toàn bộ ca khúc tại đêm diễn hoàn toàn bằng giọng hát live.

Đây cũng là một nỗ lực của 2AM và Lee Hyun nhằm ủng hộ dự thảo luật mới của chính phủ Hàn Quốc trong việc cấm hát nhép và chơi nhạc cụ giả trong các chương trình có trả cátsê (nếu vi phạm, các nghệ sỹ có thể phải nộp phạt 100.000 USD hoặc chịu 1 năm tù).

Được biết, trong hợp đồng đã ký giữa Công ty Cổ phần Truyền thông V (VCOMM) và đối tác Hàn Quốc có một điều khoản là nếu 2AM và Lee Hyun mà hát nhép tại sân Mỹ Đình thì họ phải chịu phạt một khoản tiền khổng lồ, có giá trị gấp nhiều lần cátsê mà VCOMM phải trả cho phía Hàn Quốc. 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục