Giá thuốc từng bước ổn định từ nay đến cuối năm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định giá thuốc có thể quản lý được và  từ nay đến cuối năm sẽ từng bước đi vào ổn định. Bộ Y tế đang tiếp tục kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc cho thuê bằng kinh doanh thuốc, vấn đề hoa hồng cho thầy thuốc đồng thời kêu gọi cấp ủy, công đoàn của các bệnh viện tham gia vào việc kiểm soát các “bệnh án lạ,” củng cố hoạt động của nhà thuốc bệnh viện, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của giám đốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định giá thuốc có thể quản lý được, từ nay đến cuối năm sẽ từng bước ổn định.

Ngày 18/10, tại phiên họp toàn thể ần thứ 12 của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội  về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết Bộ Y tế đang tiếp tục kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc cho thuê bằng kinh doanh thuốc, vấn đề hoa hồng cho thầy thuốc đồng thời kêu gọi cấp ủy, công đoàn của các bệnh viện tham gia vào việc kiểm soát các “bệnh án lạ,” củng cố hoạt động của nhà thuốc bệnh viện, đặt dưới sự quản lý trực tiếp của giám đốc, không để chỉ vì lợi ích của một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng cho rằng Luật Dược phải sửa đổi bổ sung một số điều cho phù hợp, có Nghị định riêng về đấu thầu thuốc cho sát, tránh lách luật, đồng thời mời các chuyên gia tham gia xây dựng giá trần, chuyển quản lý giá thuốc sang Bộ Tài chính, nghiên cứu việc đấu thầu thuốc tập trung, triển khai thí điểm trước tại một số tỉnh.

Theo Bộ trưởng Y tế, hiện nay bộ này đang tính toán tới cơ chế không công bố giá trần mà công bố thặng số bán buôn tối đa (chênh lệch tối đa giữa giá bán buôn và giá bán lẻ) đối với các thuốc do ngân sách và bảo hiểm y tế chi trả, chọn lọc một số loại thuốc có tỷ trọng tần suất cao trong điều trị. Cùng một lúc áp dụng hai cơ chế, cơ chế kê khai và kê khai lại theo pháp lệnh về giá và cơ chế thặng số bán buôn tối đa là cố định, giá thuốc có thể tịnh tiến lên và xuống do sự biến động của thị trường nhưng mức lãi của doanh nghiệp là cố định.

Cũng tại phiên họp trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã báo cáo giải trình về 5 nhóm vấn đề theo yêu cầu của Ủy ban các vấn đề xã hội, tập trung vào việc đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của văn bản pháp luật liên quan đến quản lý giá thuốc, vai trò của bảo hiểm xã hội trong đấu thầu thuốc cho các bệnh viện công lập, việc chi hoa hồng trong đấu thầu và kê đơn thuốc, vai trò quản lý nhà nước của bộ trong công tác phối kết hợp kiểm tra thị trường.

Theo ông Quang, Bộ Y tế đang gặp vướng mắc về thủ tục công bố danh sách các nước trong khu vực có điều kiện y tế và thương mại giống Việt Nam để làm cơ sở tham khảo và so sánh giá thuốc vì mỗi nước có điều kiện y tế khác nhau, chính sách thương mại và quản lý giá thuốc khác nhau. Cùng với đó là Thông tư liên tịch số 10/2007-TTLT- BYT-BTC về đấu thầu thuốc còn nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình hiện nay.

Giải trình về việc thực hiện quy định công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả theo định kỳ 6 tháng/lần, ông Cao Minh Quang cho biết trên thị trường đang lưu hành khoảng 22.000 mặt hàng thuốc với trên 1.500 hợp chất, mỗi loại hợp chất có nhiều chủng loại hàm lượng quy cách đóng gói, nhà sản xuất, nơi sản xuất khác nhau nên việc xác định mức giá tối đa cho tất cả các mặt hàng trên thực chất là rất khó khả thi.

Việc công bố giá tối đa nếu thực hiện sẽ có tình trạng cùng một loại hợp chất, nồng độ và quy cách đóng gói nhưng lấy một giá trung bình hoặc thấp công bố là giá tối đa để tiết kiệm chi phí điều trị thì có thể dẫn tới một số bệnh viện không mua được thuốc với giá tối đa mà Bộ Y tế công bố. Nếu công bố mức giá cao nhất đã trúng thầu để làm cơ sở giá tối đa thì cũng không có ý nghĩa, cơ chế công bố giá tối đa có thể dẫn tới tăng giá thuốc đồng loạt trên thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu băn khoăn trách nhiệm Bộ Y tế trong thực hiện quy định về đấu thầu thuốc như thế nào, bộ có chiến lược gì trong thời gian tới để chủ động hơn về thuốc và giá thuốc, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài, khi chưa thể công bố giá toàn bộ thì có thể công bố giá các biệt dược, thuốc độc quyền được không, tình trạng cầm tay bác sĩ trong kê đơn, cho thuê bằng để kinh doanh thuốc, quảng cáo thuốc trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Đồng tình với báo cáo giải trình của Bộ Y tế, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng chức năng quản lý nhà nước về giá là của Bộ Tài chính nhưng giá phải được phân cấp cho các ngành, bộ chỉ quản lý chung về việc ban hành các văn bản.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đặng Như Lợi đặt câu hỏi thuốc thiết yếu thuộc quyền định giá của cơ quan nào, thực hiện ra sao, vì sao tổ chức, cơ quan đứng ra thanh toán tiền lại không có quyền tham gia định giá thuốc theo danh mục./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục